Bất kỳ ai chưa từng đối mặt với cơn giận hoặc dỗi của ái kỷ (narcissistic rage) sẽ không hiểu được tại sao nó kinh khủng và đáng sợ như vậy. Gần như không có cách nào để kiểm soát cơn thịnh nộ ái kỷ vì nó vốn dĩ không phải là sự giận dỗi thông thường, nó chính xác là một công cụ được ái kỷ cố tình tạo ra để kiểm soát và thao túng người khác. Những người thân cận sẽ bị ái kỷ giỡn mặt, lúc nào cũng phải rón rén để không làm họ bột phát cơn bùng nổ, thậm chí còn lo lắng rằng bản tính nóng nảy, hay hờn dỗi đó sẽ làm hại gan, hại thận, ảnh hưởng đến sức khỏe của người ái kỷ.
Tôi đã như vậy trong suốt nhiều năm tiếp xúc với những người ái kỷ, cho đến khi tôi được tiếp cận những kiến thức từ các bác sĩ tâm lý nước ngoài mô tả chính xác những gì tôi trải qua và giải đáp mọi thắc mắc tôi đã đi tìm gần cả cuộc đời.
Cơn giận hoặc dỗi của ái kỷ thực chất chỉ là chiêu trò ăn vạ của một đứa trẻ lên ba, nhưng được thực hiện một cách tinh vi, đáng sợ và đáng thất vọng hơn mà thôi.
Với việc ăn vạ của một đứa trẻ lên ba, bạn có nhiều cách để đối phó và nó sẽ không làm cho cuộc sống của bạn trở nên bế tắc, ngột ngạt, vì dù sao, bạn có thể hi vọng gì cho sự đóng góp của một đứa trẻ ba tuổi cho một mối quan hệ?! Thế nhưng, với một người đàn ông hoặc một người đàn bà đã trưởng thành, với tôi, đó là chồng và mẹ chồng, đương nhiên, tôi cần nhận được phần công sức của họ trong mối quan hệ để duy trì sợi dây tình cảm đáng ra phải có giữa đôi bên. Trong mối quan hệ với ái kỷ, tôi luôn thường trực cảm giác cô đơn và bất lực dù đã cố gắng và nỗ lực bằng mọi cách để tu sửa chính bản thân mình, nhưng càng nỗ lực bao nhiêu, tần suất cơn giận dỗi của họ càng trầm trọng bấy nhiêu. Vì sự thật là, làm sao tôi có thể tạo dựng một mối quan hệ bình thường với một người lớn chưa trưởng thành dưới vỏ bọc của những người mẫu mực, chỉn chu và thành đạt?
Hơn nửa đời người, tôi cứ chạy luẩn quẩn trong cái vòng lặp ái kỷ với ba giai đoạn cần phải có: “lý tưởng hóa – hạ thấp giá trị – chối bỏ”, sau đó “hút bụi” trở lại và tiếp tục vòng lặp “lý tưởng hóa – hạ thấp giá trị – chối bỏ”. Tôi đến với họ đầy mãn nguyện với tràn trề hi vọng, để rồi phải sống và làm việc trong sự run rẩy sợ hãi những cơn giận và dỗi bất thình lình nhưng thường trực và cuối cùng ngậm đắng nuốt cay với nỗi cô đơn, tuyệt vọng, bế tắc mà không ai có thể thấu hiểu.