Cách nhận biết ái kỷ từ cảm nhận bên trong mình

Mình muốn thông qua những trải nghiệm của bản thân để chia sẻ đến mọi người cách mình nhận ra sự bất thường trong mối quan hệ với ái kỷ – thuật ngữ mà mãi sau này, sau khi chia tay với ái kỷ mình mới học được định nghĩa. Bằng cách nào đó, dù chưa được tiếp cận với kiến thức về ái kỷ mình cũng đã nhận ra và ly hôn thành công với ái kỷ (dẫu cũng không dễ dàng).

Mình thử liệt kê các dấu hiệu nhận biết xem bạn có đang ở trong mối quan hệ với ái kỷ hay không bằng cách tự cảm nhận chính mình. Ở đây mình đề cập ái kỷ trong mối quan hệ vợ chồng.

Thứ 1. Bạn không chắc chắn về tình cảm mà ái kỷ dành cho mình.

Dù ái kỷ luôn khẳng định rằng rất yêu thương bạn, chỉ có một mình bạn thì bạn vẫn thấy nghi ngờ, có gì đó mâu thuẫn. Không phải vì ái kỷ có các dấu hiệu ngoại tình mà bởi bạn chẳng thể cảm nhận nổi thứ mà họ cứ luôn miệng chắc nịch kia. Nếu yêu thì phải thương xót cho bạn, nhận phần thiệt về mình, ko muốn bạn chịu vất vả… chứ? Đằng này người đó cứ mặc cho bạn phải gánh hết mọi vất vả, thiệt thòi như một lẽ tự nhiên và khốn nạn hơn là “do em chọn mà, có ai bắt/ai cần em làm thế đâu”. Tuy vậy, bạn luôn day dứt vì không tìm được câu trả lời thật sự là họ có yêu bạn hay không nhưng bên trong bạn biết, bạn đang dần thất vọng.

Thứ 2. Bạn luôn có cảm giác bất an, lo lắng và căng thẳng.

Sống với người ái kỷ chẳng mấy khi bạn được thảnh thơi bởi cảm xúc của bạn luôn được “đu dây”. Bạn ko chắc chắn người đó sẽ phản ứng ra sao với những việc bạn làm, dù bạn đã cố gắng hết sức làm tốt. Khi ái kỷ hài lòng, bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chỉ một sơ xuất nhỏ đôi khi sẽ là cái cớ để cơn giận của người đó bùng lên. Cơn giận đương nhiên luôn nhắm đến bạn với những lý do tưởng chừng đó là vì quan tâm bạn. Mình còn luôn bị mắng vì quá chăm chỉ, quá cầu toàn, quá sạch sẽ: tại sao ăn cơm xong lại phải rửa bát ngay, tại sao phải nấu đủ ba món trên bàn ăn…

Khi cần tiếp xúc với người ngoài (bạn bè, đồng nghiệp…) bạn ko thể tin tưởng vào người đó, bạn sợ sự cố xảy ra hoặc có khi bạn sẽ bị họ làm cho bẽ mặt.

Thứ 3. Bạn không được quan tâm đến tình cảm, cảm xúc

Bạn luôn là người phải quan tâm đến cảm xúc của họ nhưng họ thì chẳng bao giờ làm điều ngược lại. Bằng chứng là họ không đủ kiên nhẫn hoặc kém phản xạ, thiếu lắng nghe khi bạn muốn tâm sự, chia sẻ (nếu họ hào hứng thì là khi họ cướp diễn đàn để được nói về mình). Bạn cảm nhận được sự vô tâm của họ rõ ràng hơn khi bạn xảy ra chuyện và họ chứng kiến. Chẳng hạn khi bạn đứt tay, ngã, giật mình… họ sẽ khá phớt lờ hoặc buông nhạt một câu “có gì mà ầm ĩ lên thế, chẳng làm được cái gì ra hồn hoặc đã bảo mà không nghe…”. Và cảm xúc của bạn là thất vọng!

Thứ 4. Bạn không được ghi nhận công sức

Khi bạn cảm thấy mình làm rất nhiều thứ cho gia đình, cho bản thân người đó nhưng đến lúc bạn sẽ được nghe từ chính miệng họ những lời như “em ko cần phải làm thế”, “nó chẳng có ích gì cho anh cả” bạn sẽ thấy thất vọng tột cùng. Mình luôn là người cặm cụi nấu ăn cho gia đình trong 10 năm hôn nhân, nhưng khi không vừa lòng ái kỷ thường nói “em không cần lo cho anh, em chỉ cần nấu cho mình em và con thôi”. Trong đầu mình (vì đã có quá nhiều thất vọng) là: “Ồ, vậy sao không nói sớm, 10 năm qua anh ăn không khí mà sống à?” – nghĩ vậy chứ chưa bao giờ mình dám công khai đối đầu với ái kỷ. Cái này mình gọi là hèn nhưng có lẽ đó chính là bị thao túng.

Thứ 5. Bạn luôn bị đổ lỗi.

Đã không được ghi nhận công sức nhưng khi có chuyện xảy ra người phải chịu trách nhiệm sẽ là bạn. Chẳng hạn, hai người hẹn nhau đến một địa điểm và bạn chờ mãi không thấy họ đến, hóa ra họ nhầm địa chỉ. Nhưng họ sẽ ko nhận là họ nhầm mà bởi: vì bạn đã không nhắn địa chỉ rõ ràng, vì bạn cứ đòi hẹn ở chỗ khó tìm, vì bạn không báo trước đủ thời gian cho họ tìm đường nên họ vội quá…. Tóm lại, từ chuyện nhỏ đến lớn, lỗi bao giờ cũng là do bạn cả.

Thứ 6. Bạn không bao giờ được dỗi mà luôn phải đi dỗ dành họ

Dù bạn là phụ nữ thì quyền được dỗi cũng sẽ ko thuộc về bạn nếu bạn chung sống với ái kỷ. Họ luôn dùng tuyệt chiêu dỗi này để đánh đòn phủ đầu với bạn. Thậm chí bạn không có lỗi, người có lỗi là họ, họ vẫn dỗi bạn như thường. Muốn đc yên thân, đương nhiên người nhịn luôn phải là bạn. Dù tức điên người và thấy phi lý bạn vẫn phải xuống nước để mọi chuyện được yên.

Chồng cũ của mình đi nhậu về say sẽ tìm cớ dỗi như sau: anh ta vào phòng, thở ra toàn mùi bia, rượu để chờ câu nói “mùi quá, anh ra ngoài đi” và thế là anh ta vin vào cớ đó để dỗi “em đuổi anh đấy nhé, anh sẽ ngủ ở sofa”. Rồi anh ta sẽ ngủ sofa liền 3 – 5 tối sau đó cho đến khi không ai đả động tới chuyện anh ta nhậu say nữa.

Thứ 7. Hai người luôn không đồng điệu, không hiểu nhau, thường xuyên “ông nói gà, bà nói vịt”

Có lúc bạn không thể hiểu nổi vì sao các bạn lại là một đôi khi không thể chia sẻ và thấu hiểu nhau. Với ái kỷ, họ không rảnh để có thể thấu hiểu bạn bởi vậy dần dần bạn không còn muốn chia sẻ nữa. Bạn chọn im lặng và tự giải quyết các vấn đề một mình. Bạn sống cạnh họ nhưng họ không hề biết bạn phải làm những gì để duy trì cuộc sống cho mình và gia đình. Nếu bạn có nói ra họ cũng sẽ thấy thật vớ vẩn, có gì đâu mà kể lể… Bạn không thể chia sẻ cuộc sống với họ, bạn cô đơn trên chính hành trình của hai người. Thất vọng và chán nản là cảm xúc chính kéo dài, lặp đi lặp lại trên suốt cuộc hành trình.

Nếu bạn đang có những cảm nhận như mình liệt kê ở trên hẳn là bạn đang sống cùng ái kỷ. Dù họ không quá đáng đến mức khiến ta phải cao chạy xa bay ngay lập tức nhưng họ cứ hút dần, hút mòn năng lượng sống của ta. Bạn luôn thèm một ngày được sống cho bản thân, sống với con người trước đây của mình – con người có sở thích, có cá tính, có ước mơ. Bạn hoang mang và luôn đặt câu hỏi “tại sao cuộc sống của mình lại bế tắc, thiếu niềm vui và ít cảm xúc tích cực? Tại sao mình lại sống như thế này”. Dường như mối quan hệ với ái kỷ hút kiệt sinh lực của bạn và biến bạn thành một người khác – một kẻ luôn phải chạy theo để làm hài lòng họ. Bạn muốn bứt ra để sống khác đi nhưng bạn còn có quá nhiều hoài nghi. Vậy thì, hãy thôi đặt câu hỏi về phía họ: họ sẽ ra sao khi mình rời đi, họ còn yêu mình không, mình có sống vui vẻ được nếu họ không ổn… bởi vì bạn sẽ không tìm được câu trả lời (do người nắm câu trả lời là họ). Thay vào đó, hãy đặt những câu hỏi về phía mình (bởi bạn là người chắn chắn về câu trả lời nhất): mình còn muốn sống với họ không, mình có muốn sống với cảm xúc thật của mình không, mình có đang tự do không, mình có cần phải chịu đựng nữa không? …

Chúc bạn tìm được đáp án và bình an!

Chia sẻ của một thành viên nhóm Facebook “Ái kỷ – narcissism”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay