Những người có tâm bệnh có rất nhiều điểm chung như đều có môi trường sống độc hại, bằng cách này hay cách khác, đều không nhận được đầy đủ tình yêu thương hay giáo dục đúng cách từ cha mẹ và đặc biệt, họ đều có rất nhiều niềm tin sai lệch. Trong bài này, mình sẽ đề cập đến một số niềm tin đã ăn sâu vào tiềm thức các bạn trong rất nhiều năm, nhưng theo quan điểm của mình, đó chính là những niềm tin sai lệch. Xin lưu ý rằng, quan điểm của mình có thể sai, nhưng nó sẽ đóng góp cho các bạn có thêm góc nhìn để học cách tư duy phản biện và dùng tri thức đúng đắn để tự phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai.
- Niềm tin sai lệch thứ nhất đó là: Phải luôn tư duy tích cực.
Đây là điều sai lầm, cái chúng ta cần là tư duy đúng chứ không phải tư duy tích cực. Điều nực cười là chúng ta vẫn luôn nói với những người có tâm bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu là vui lên đi, nghĩ tích cực lên đi. Đấy là vì chúng ta thiếu hiểu biết. Vì thiếu hiểu biết nên chúng ta không có tư duy đúng đắn, từ đó sẽ không có những hành vi đúng đắn. Tức là, muốn tư duy đúng thì phải tích lũy đủ kiến thức đúng đắn.
Hãy tưởng tượng bạn sống cùng cha và dì ghẻ ái kỷ, liên tục chì chiết, chỉ trích, hạ thấp giá trị của bạn trong một thời gian dài, thậm chí đánh đập bạn dã man, họ không hề dành bất kỳ tình cảm nào cho bạn. Đến một ngày, sau một trận đòn chí mạng từ cả cha lẫn mẹ, bạn quá áp lực, quá uất ức và bỏ nhà đi. Một người thấy thế liền bảo rằng, con ơi, con hãy nghĩ tích cực lên đi, bố mẹ luôn yêu thương con đấy, về nhà đi con. Bạn tin vào tư duy tích cực của họ và bạn quay về tiếp tục chịu đựng những trận đòn chí mạng của bố và dì ghẻ? Kết cục của bạn sẽ ra sao? Thực tế là, tư duy tích cực chỉ phù hợp với những người hơi tiêu cực một chút, với sức khỏe tinh thần bình thường. Còn những người quá tích cực, quá hưng phấn, hay quá tiêu cực, quá đau buồn thì không thể dùng tư duy tích cực để giúp họ, mà phải dùng tư duy đúng đắn. Phải dùng kiến thức khoa học để phân tích vấn đề và giúp họ phân biệt đúng sai, trái phải, giúp họ tìm ra giải pháp đúng đắn chứ không phải chỉ là những lời động viên theo kiểu tư duy tích cực thiếu khoa học, thiếu thực tế. Do đó, nếu bạn đã đọc rất nhiều sách về tư duy tích cực và phát triển bản thân rồi mà vẫn không thấy khá lên được thì hãy dẹp chúng sang một bên và học những kiến thức mới đúng đắn, chứ không phải chỉ là những lời nói vin theo cái mác tư duy tích cực nhưng thiếu cơ sở, khuôn mẫu giáo điều, vô thưởng vô phạt.
- Niềm tin sai lệch thứ hai đó là: Cho đi để được nhận lại.
Điều này sai vì đi ngược lại hoàn toàn những lời Phật dạy về tham sân si. Cho đi rõ ràng là hành động giúp người, là thiện nguyện, có thể vừa tốn công lại vừa tốn tiền, nhưng cái đáng nói ở đây là người cho đi đó luôn mong ngóng để được nhận lại, thâm tâm họ luôn mong cầu được nhận càng nhiều càng tốt. Thế nên họ sẽ sẵn sàng cay độc chì chiết, nói xấu, chỉ trích người khác một cách thậm tệ nếu người đó không đáp trả những gì đã nhận từ họ. Ví dụ, khi mình lập kênh YouTube, đương nhiên mình sẽ tốn nhiều công sức và thậm chí là tiền bạc để xây dựng kênh, để đem đến cho các bạn những video giá trị nhất có thể. Ngay cả một số bạn học chuyên ngành tâm lý học cũng có thể tham khảo các video của mình để có thêm góc nhìn trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, khi làm xong các công việc cần thiết của một Youtuber là mình xong nhiệm vụ, việc còn lại là quyền của các bạn: các bạn xem hoặc không xem, các bạn khen, chê hay ném đá, hay chỉ trích, đó là quyền của các bạn. Nhưng không vì thế mà mình sẽ giận dỗi, đau buồn hay nhảy lên trách móc rằng tại sao các bạn không like, hay đăng ký kênh. Tự bản thân mình sẽ thấy thật đáng hổ thẹn nếu mình làm như vậy.
Niềm tin sai lệch rằng cho đi để mong cầu được nhận lại cũng dẫn đến một thói quen cố hữu đó là dâng lễ và cầu xin Phật đủ thứ. Nếu đã tin theo đạo Phật thì nên buông bỏ mong cầu được nhận lại, nên buông bỏ khấn vái tứ phương để cho con có thật nhiều tiền, cho con trúng quả, cho con mua được cái nhà, cái xe siêu sang kia, thậm chí là xin các cụ cho con thụ lộc cả đời mà con chẳng phải làm bất cứ thứ gì. Và một việc cho đi nhưng luôn đòi hỏi được nhận lại nữa đó là nuôi con và đòi hỏi con phải đền đáp, báo hiếu bố mẹ. Hẳn sẽ rất ít người được dạy rằng, chỉ có duy nhất tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là tình yêu thương vô điều kiện. Còn lại những tình cảm khác như tình yêu thương con cái dành cho cha mẹ, vợ chồng, anh em bạn bè đều là những những cảm có điều kiện. Tuy nhiên, trong thế giới của cha mẹ ái kỷ thì những niềm tin này dường như đã bị lộn chỏng vó 180 độ, họ sẽ luôn đòi hỏi con cái phải làm gì đó thì mới được yêu thương và tôn trọng. Và liên tục nhắc nhở con cái phải tuyệt đối tuân thủ đạo làm con, phải có hiếu một cách vô điều kiện với bố mẹ, nếu không sẽ phạm phải tội tày đình, trời không dung, đất không tha. Tuy nhiên, đạo hiếu đó dựa trên hệ tư tưởng Nho giáo cổ hủ lạc hậu, phân biệt đối xử, được dùng với mục đích cai trị của tầng lớp vua chúa phong kiến. Chúng ta, những người con có trách nhiệm và bổn phận báo hiếu cho cha mẹ, bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng không vì thế mà cha mẹ có quyền liên tục đòi hỏi, thậm chí chửi bới, nhiếc móc vì chúng ta chưa thể làm cho bố mẹ đẹp mặt, xây cho bố mẹ một căn nhà mới hay đưa các cụ đi chơi đây đó như con nhà người ta. Những ông bố, bà mẹ thực sự yêu thương con cái sẽ không bao giờ làm như vậy. Họ sẽ hài lòng khi thấy con cái sống khỏe mạnh, vui vẻ và không bao giờ gây bất kỳ áp lực nào để bắt con cái phải báo hiếu cho họ.
- Niềm tin sai lệch thứ ba đó là: Yêu cho roi cho vọt, khẩu xà tâm phật.
Dù miệng thì chửi rủa, mắng mỏ đủ thứ nhưng lại ngụy biện rằng: đấy là yêu thương con cái, đấy là tốt cho con, dù nói ác mồm thôi nhưng cái tâm của cha mẹ là tâm tốt. Rồi thì tai thì nghe lời Phật dạy rằng phải nói những lời hay làm việc tốt, ngày tuần ngày lễ nào cũng thành tâm thắp nhang khấn vái, thế nhưng miệng thì luôn mồm chì chiết, chửi rủa, nhiếc móc con cháu mà không bao giờ biết hối hận vì điều đó. Trong khi đó, chì chiết, nhiếc móc, chửi rủa, làm mình làm mẩy đều là những biểu hiện của tính cách ái kỷ với cái tôi quá lớn, quá coi trọng bản thân và coi thường người khác. Nó được vận hành bởi tâm tham sân si một cách cao độ. Và đương nhiên, đó không phải là những lời Phật dạy, cũng không phải là những hành vi vô thưởng vô phạt, đó là những hành vi vô đạo đức, vô giáo dục và vô văn hóa. Chúng ta không nên làm như vậy với bất kỳ ai, đặc biệt là với người thân của mình. Khẩu phật tâm xà. Nhưng nếu khẩu xà, tức là miệng nói những lời nhẫn tâm, độc ác, thì không hiểu tâm người đó còn kinh khủng đến như thế nào. Rõ ràng sự ngụy biện một cách trắng trợn và dối trá như vậy mà chúng ta cũng vẫn mù quáng tin tưởng thì chứng tỏ, chúng ta cũng cần phải xem lại kiến thức khoa học mà chúng ta đã được học trên trường lớp, báo đài suốt bao nhiêu năm qua.
- Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, khôn nhà dại chợ là những câu nói để chê cười hơn là khen ngợi.
Tuy nhiên, những bậc thánh hiền, chúa Giesu hay Đức Phật chính là những người đã dành cả đời để làm những việc như vậy. Đó là những người có đạo đức và nghị lực hơn người mới có thể giúp đỡ những người khác không phải là người thân của mình. Cũng thật lạ lùng rằng một số người tôn sùng đức Phật nhưng lại liên tục chỉ trích người thân của mình với cái biệt danh: khôn nhà dại chợ, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Hẳn là họ đã không thực học và thực hành nên không hiểu hết ý nghĩa thật sự đằng sau những lời răn của nhà Phật.
- Cuối cùng là niềm tin: Gia đình là tất cả.
Bạn sẽ ngạc nhiên vì chẳng thấy nó có gì sai, cũng giống như khi ai đó bảo rằng, đối với một tổ chức, con người là tài sản quý giá nhất. Tuy nhiên, con người không phải là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, Con người phù hợp mới là tài sản quý giá nhất. Gia đình không phải là tất cả khi bạn có những cha mẹ ái kỷ, luôn tìm kiếm quyền lực chứ không phải tình yêu dành cho con cái. Và gia đình cũng không phải là tất cả, chính bản thân các bạn mới là tất cả. Nếu bạn coi gia đình là tất cả, vậy thì nếu một ngày nào đó, họ rời đi hết, vậy bạn sẽ không còn bất kỳ lý do nào để sống nữa hay sao? Người thân, bạn bè là những người đồng hành cũng bạn trên đường đời. Họ đến rồi đi, có người sẽ đồng hành cùng bạn gần hết cuộc đời, có người chỉ đi cùng bạn một đoạn ngắn ngủi. Việc của bạn là đi hết phần đời còn lại, bất kể có họ hay không. Gia đình là quan trọng nhất nhưng không phải là tất cả. Và không phải cha mẹ nào cũng đem đến cho con cái điều tuyệt vời nhất đó là một tình yêu vô điều kiện. Nếu bạn kém may mắn vì đã không nhận được điều đó từ cha mẹ của mình, hãy tự làm điều đó cho chính bản thân và đừng trông chờ một ngày nào đó họ sẽ thay đổi. Điều duy nhất bạn có thể làm là thay đổi nhận thức của bản thân và ngừng mong chờ nhận về từ người khác.
Tiếp theo Hàn Quốc có thể là Việt Nam, trong thập kỷ sắp tới, mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ sẽ càng trở nên căng thẳng hơn, một phần nguyên nhân là cha mẹ thế hệ trước không bắt kịp sự phát triển của con cái và sự phát triển như vũ bão của thời đại công nghệ. Nó không phải chỉ đơn giản là cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái, mà nó còn là cuộc chiến giữa văn hóa đông – tây, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa cái cũ và cái mới, giữa quyền lực và tình yêu. Các bậc cha mẹ hối hả đi học lớp đào tạo này kia với mục đích chính là để kiểm soát con cái, để điều khiển con cái hay thậm chí là vợ chồng, đồng nghiệp theo ý của mình. Trong khi đó, cái mà con cái chúng ta cần là tình yêu. Nhưng thực tế phũ phàng rằng, quyền lực đối lập với tình yêu. Cha mẹ càng muốn có nhiều quyền lực đồng nghĩa với việc chúng ta càng dành ít tình yêu cho con cái, trong khi, tình yêu là cái mà thế hệ trẻ ngày nay thực sự thiếu thốn. Chỉ riêng việc nhận thức được điều đó thôi thì nhiều bậc phụ huynh đã không làm được rồi, chứ chưa nói gì đến việc thực hành, vì từ nhận thức đến thực hành là cả một hành trình gian nan vất vả mà ko phải ai cũng có thể làm được. Thông qua những bài viết này, mình không kỳ vọng các bậc phụ huynh sẽ thay đổi một phần nào đó mà chỉ nhắm đến việc cập nhật một chút kiến thức cho các bạn trẻ, để các bạn biết cách bảo vệ bản thân và biết cách giảm bớt mâu thuẫn trong cuộc sống.