Trước hết, cần khẳng định rằng: Tất cả những kẻ THÁI NHÂN CÁCH đều là ÁI KỶ, nhưng KHÔNG phải tất cả ÁI KỶ đều là THÁI NHÂN CÁCH (nếu những người có biểu hiện của thái nhân cách đi chuẩn đoán bác sĩ và được kết luận thì chứng bệnh này sẽ có tên là chứng Rối loạn nhân cách chống đối xã hội, viết tắt là ASPD).
Nếu như người ái kỷ cảm thấy có phần nào đó tội lỗi và xấu hổ với những hành vi xấu xa của mình, thì thái nhân cách hoàn toàn không hề cảm thấy bất kỳ sự xấu hổ hay tội lỗi nào, không bao giờ cảm thấy hối hận bởi những hành vi tồi tệ của mình. Tức là người ái kỷ vẫn có lương tâm và cảm xúc, còn thái nhân cách thì không.
Người Ái kỷ thực hiện hành vi xấu nhằm đạt được mục đích và có thể hi vọng rằng hành vi đó không làm tổn hại đến ai. Tuy nhiên, thái nhân cách hoàn toàn không quan tâm đến việc ai có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi của mình.
Dù có nhiều quan điểm chưa đồng nhất nhưng chúng ta có thể nói rằng thái nhân cách 02 kiểu khác nhau, đó là: Psychopath và sociopath. Tuy nhiên đây không phải là những thuật ngữ chuyên môn mà chỉ là cách gọi phổ thông như cách mà chúng ta gọi căn bệnh Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là Thái nhân cách.
Theo đó, có thể hiểu rằng với những biểu hiện trùng khớp nhau nhưng Psychopath hình thành do gen di truyền còn Sociopath là do được nuôi dưỡng và luyện tập mà thành. Một bộ phận trong hệ thống thần kinh trung ương sẽ giúp cho những người bình thường cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh, đồng tử mở to, đổ mồ hôi, nhìn xung quanh, tay chân cử động liên tục khi chúng ta vi phạm luật lệ như vượt đèn đỏ, bị công an bắt bởi vì chúng ta sợ các hậu quả sau đó. Nhưng Thái nhân cách không hề có những phản ứng đó. Đó cũng chính là lý do vì sao họ thường xuyên nói dối và có thể dễ dàng thoát khỏi các máy kiểm tra nói dối. Họ thậm chí cũng không bị căng thẳng hay stress như người bình thường. Vì họ được sinh ra vốn bị thiếu chức năng thần kinh để có thể giúp họ cảm nhận được cảm xúc nên họ có thể hành xử bất kỳ điều gì để đạt được mục đích một cách rất dễ dàng mà không sợ bị phát hiện hay gặp phải rào cản của lương tâm. Họ thường có cha mẹ là thái nhân cách. Họ có vẻ ngoài cuốn hút, có trí tuệ hơn người, họ không thể thấu hiểu những cảm xúc của người khác và không có năng lực để thể hiện cảm xúc vì khiếm khuyết bẩm sinh trong hệ thống thần kinh trung ương, nhưng họ có thể học mọi thứ từ việc quan sát và bắt chước người khác cách thể hiện cảm xúc. Do đó, khi chuẩn đoán một người mắc chứng Rối loạn nhân cách chống đối xã hội, các bác sĩ cần thu thập mọi chứng từ giai đoạn trước 15 tuổi như trốn học, đánh nhau, ăn cắp, nói dối, hành hạ động vật, đốt lửa. Ngay từ nhỏ, họ thực hiện những hành vi đó chỉ đơn giản là họ thích làm như vậy, không vì lý do đặc biệt nào và họ không hề quan tâm đến hậu quả.
Sociopath có biểu hiện giống với Psychopath, chỉ có điều Sociopath do được nuôi dưỡng trong môi trường thiếu lành mạnh như sống trong khu phố toàn tội phạm hay có những người hàng xóm cực kỳ khó chịu, chúng buộc phải học cách để khỏi bị bắt nạt hoặc để sinh tồn, hoặc lớn lên với một người cha doanh nhân, dân buôn bán giàu có, ngay từ nhỏ đã được dạy cho những mánh khóe làm ăn gian dối để trở nên giàu có. Sociopath từ nhỏ sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc và lạnh lùng khi thực hiện những hành vi gian dối, trái đạo đức và trái pháp luật.
Các dấu hiệu nhận biết Thái nhân cách
- Không biết hổ thẹn với lương tâm hay ăn năn hối lỗi. Họ sẵn sàng làm tổn thương người khác hay bất kỳ điều gì nhằm đạt được mục đích mà không bao giờ có cảm giác tội lỗi.
- Thường xuyên nói dối, thậm chí có thể nói dối một cách trắng trợn, hứa thật nhiều nhưng thất hứa cũng thật nhiều, thậm chí hoang tưởng tin chắc rằng những lời nói dối của mình là sự thật. Nó sẽ nói dối đến cùng cho đến khi thực sự bị lộ tẩy thì sẽ quay sang thú nhận mọi chuyện để lấy lại niềm tin từ mọi người.
- Bình thản tới mức kỳ lạ trong mọi hoàn cảnh, ví dụ như trong những sự kiện thường gây bồn chồn, lo lắng cho hầu hết mọi người như phỏng vấn xin việc, chậm deadline, bị công an bắt, bị khiển trách, phê bình trước mặt mọi người, họ không có khả năng đồng cảm và thấu hiểu với những cảm xúc của người khác,…
Nếu chú ý kỹ bạn sẽ thấy: phản ứng của họ thường diễn ra sau khi họ quan sát xong. Họ thường nắm bắt cảm xúc rất nhanh nhưng cũng sẽ diễn tả thái quá.
- Cực kỳ thu hút lúc mới quen, thường được đánh giá là những người vui tính, dễ mến và thú vị. Họ có thể hành động khác thường bằng cách giúp đỡ người lạ hoặc cực kỳ rộng lượng với những người hầu như không quen. Tuy nhiên họ đối xử với người thân và bạn bè theo cách ngược lại hoàn toàn. Nếu một người thu hút bạn từ cái nhìn đầu tiên, nhưng sau này lại có những hành vi khiến bạn sợ hãi hoặc lo lắng, thì có thể đó là một Sociopath.
- Thường tìm cách thao túng người khác. Họ thường kết thân rất nhanh với bạn và tìm cách moi ra những điểm yếu hoặc bí mật của bạn để dễ bề thao túng. Họ thường nhắm tới những người yếu đuối và tránh xa những người mạnh mẽ hơn. Những người già, người giàu có, người đang gặp vấn đề tâm lý, mất niềm tin ở bản thân, cấp dưới, trẻ vị thành niên,… đều là những đối tượng mà họ nhắm đến. Họ biết cách cho những cái cần cho như ca ngợi bạn, công nhận giá trị của bạn, ngồi hàng giờ chỉ để lắng nghe bạn tâm sự. Ngược lại, họ thường không thoải mái khi ở cạnh những người mạnh mẽ và luôn lo sợ bị phát hiện, nhưng lại hay lân la tiếp xúc với người “mạnh mẽ” để xem mình đã bị phát hiện chưa.
- Có những dấu hiệu của hành vi bạo lực: hành hạ động vật, bắt nạt bạn bè khi còn bé, lớn lên thì bắt nạt đồng nghiệp, thao túng tinh thần và bạo hành bằng lời nói như bất ngờ tạo ra tình huống xấu hoặc bẻ cong lời người khác nói, lập tức đổ lỗi nếu bị chất vấn, vin vào lòng trắc ẩn của mọi người để lảng tránh. Nếu bạn cảm thấy một người thường tỏ ra điềm tĩnh, bình thản nhưng lại đột ngột trở nên bạo lực thì hãy dè chừng và tìm hiểu về thái nhân cách ngay nhé.
- Họ có cái tôi rất lớn. Họ bị hoang tưởng và cho rằng họ là người tuyệt nhất thế giới. Họ không chấp nhận những lời chỉ trích và thường tự mãn về bản thân. Họ rất nhạy cảm với quyền lực và tự cho rằng mình xứng đáng được người khác phục tùng. Họ luôn muốn lợi dụng người khác.
- Họ thường có ít bạn bè, thậm chí không hề có một người bạn nào thực sự thân thiết trong nhiều năm hay từ thời học sinh, sinh viên; không có mối quan hệ thân thiết với các thành viên trong gia đình và những chuyện quá khứ. Họ thường lảng tránh khi đề cập đến những chuyện trong quá khứ hoặc nói dối về những sự kiện đã xảy ra và không bao giờ tiết lộ nhược điểm thực sự của họ với người khác. Không thể có một mối quan hệ thực sự thân thiết và lâu bền với một ai đó cũng là điều dễ hiểu vì họ thường xuyên nói dối, thao túng và luôn lo sợ bị bại lộ.
- Họ thường tìm cách cô lập bạn. Họ thường kết thân rất nhanh, nếu là hẹn hò thì họ thường sẽ muốn độc chiếm bạn. Họ sẽ khiến bạn cảm thấy chỉ có bạn mới giúp được họ, rằng bạn nên dành thời gian ở bên họ và chỉ lắng nghe họ mà thôi.
- Họ có những hành vi trẻ con, thiếu chín chắn đằng sau vẻ ngoài cuốn hút như vô cùng ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân, đeo bám, đùn đẩy trách nhiệm.
- Thường xuyên đổ lỗi. Nếu một người rõ ràng là nói dối, sau đó lại đổ cho bạn là người nói dối, hoặc nếu họ làm gì đó khiến bạn nổi khùng, và tỏ vẻ như bạn đang phát cáu một cách vô cớ thì rất có thể bạn đang phải đối mặt với một kẻ thái nhân cách.
- Nếu họ nhìn một cách lạnh lùng và khó hiểu để đe dọa bạn, và không tỏ ra hối tiếc vì đã khiến bạn căng thẳng, người đó có thể là một kẻ thái nhân cách.
Nghiên cứu cho thấy, thái nhân cách thường có xu hướng có nhiều quan hệ tình dục hay yêu đương ngoài luồng nhiều hơn so với người bình thường bởi vì họ luôn cảm thấy buồn tẻ, vô vị, thiếu cảm giác bị kích thích (như đã phân tích, bởi vì họ thiếu một chức năng trong hệ thống thần kinh trung ương có thể làm họ cảm nhận được cảm xúc và hạnh phúc). Do đó, họ thường tìm kiếm cảm giác hưng phấn với những màn trình diễn độc đáo, cảm giác của kẻ chiến thắng với quyền lực và hạ gục con mồi hay chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách lừa lọc, chơi khăm, dụ dỗ và tán tỉnh.
Với những kẻ thái nhân cách thiếu trí tuệ kết hợp với bản năng bốc đồng sẽ khiến họ thường hành xử một cách vô văn hóa, thiếu tính toán, phạm tội vì động cơ đê hèn, trả thù không có kế hoạch, ví dụ sẵn sàng ăn trộm, cướp giật hay thậm chí giết người chỉ vì cần tiền để chơi game. Và thường thì những người này sẽ bị tống vào tù. Tuy nhiên, một phần không nhỏ những kẻ thái nhân cách sẽ có trí tuệ bậc trung hoặc hơn người, họ luôn biết cách che dấu bản chất một cách cực kỳ tinh vi dưới vỏ bọc của một nhà thơ, nhà giáo ưu tú, bác sĩ hay luật sư uy tín, trưởng phòng gương mẫu hay nhân viên cần mẫn. Đó cũng có thể là một người cha, người vợ lý tưởng, một ông anh hay chú họ điển trai, lịch lãm. Đó có thể là bất kỳ ai nếu có những biểu hiện như vừa liệt kê.
Nếu bạn đã giải thoát khỏi mối quan hệ với kẻ thái nhân cách, xin chúc mừng và xin đừng tự trách bản thân đã quá mù quáng không nhìn rõ chân tướng của họ, để họ lừa lọc hết lần này đến lần khác. Đó là cảm giác tất yếu của tất cả nạn nhân thái nhân cách. Bạn không phải là người có lỗi, bạn là nạn nhân của một căn bệnh về rối loạn nhân cách mà rất ít người có thể nhận biết. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của họ, từ những người cực kỳ giàu có và thành đạt cho đến những trí thức với hiểu biết và kinh nghiệm đầy người. Điều bạn cần làm là học cách tự chữa lành cho những tổn thương mà bạn phải gánh chịu suốt thời gian vừa qua. Đó là một chặng đường dài và không hề dễ dàng. Đó là những kinh nghiệm quý giá, nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc nhận diện nhanh chóng những kẻ thái nhân cách mà bạn có thể phải đối mặt trong tương lai.