Hiện nay, hầu hết mọi người khi mới tìm hiểu về ái kỷ đều nghĩ rằng, ái kỷ là một chứng bệnh có tên narcissistic personality disorder, viết tắt là NPD và nghĩ rằng ai cũng là ái kỷ theo những mô tả về đặc điểm của ái kỷ. Tuy nhiên, xin làm rõ cho những ai mới tìm hiểu về ái kỷ một số nội dung như sau:
Thứ 1. Không phải tất cả mọi người đều là ái kỷ (theo những mô tả về ái kỷ trong kênh YouTube của mình). Ái kỷ (narcissism) được đề cập ở đây là kiểu Ái kỷ KHÔNG LÀNH MẠNH.
Thứ 2. Ái kỷ được tạm thời chia thành 3 cấp độ (liệt kê từ cấp độ cao – thấp):
– Cấp độ 3: Ái kỷ không lành mạnh (narcissism): là một kiểu tính cách của những người quá coi trọng bản thân, tự cho mình có quyền áp đặt và hành hạ người khác, lạnh lùng, thiếu đồng cảm,… (đáp ứng đủ ít nhất 5/10 tiêu chí được liệt kê của kiểu tính cách ái kỷ). Những người có một vài tiêu chí, nhưng không đến mức đủ 05 tiêu chí sẽ không được liệt vào kiểu tính cách ái kỷ. Dr. Ramani thậm chí còn đưa ra 30 tiêu chí cho kiểu tính cách ái kỷ, và nếu chỉ cần đáp ứng ít nhất 6 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí cơ bản là quá coi trọng bản thân và thiếu khả năng đồng cảm, là đã đủ để trở thành kiểu tính cách ái kỷ.
– Cấp độ 2: Ái kỷ lành mạnh (hay yêu bản thân đúng cách): là cấp độ ái kỷ đáng mơ ước, là những người biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, biết coi trọng giá trị của bản thân (và của người khác), biết yêu thương, tôn trọng bản thân và mọi người, luôn cố gắng tu sửa bản thân để tốt hơn mỗi ngày. Họ tự tin và mạnh mẽ từ bên trong chứ không cần cố gắng lấy lòng hay đạt được sự công nhận của người khác để cảm thấy bản thân có giá trị.
– Cấp độ 1: Không biết yêu thương bản thân, không nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, phủ nhận giá trị của bản thân (đây thường là cấp độ của các nạn nhân ái kỷ, sau khi bị thao túng tâm lý “gaslighting” trong một thời gian đủ dài).
Thứ 3. Ái kỷ được Luật sư Nguyễn đề cập KHÔNG PHẢI LÀ 1 LOẠI BỆNH được nêu trong DSM-5 với tên gọi “Rối loạn nhân cách ái kỷ” (narcissistic personality disorder). Chỉ những người chấp nhận đi khám bệnh và được bác sĩ chuẩn đoán bị NPD thì mới được xác định là mắc chứng NPD. Nếu không phải là bác sĩ, chúng ta không có quyền tự chuẩn đoán ai đó mắc chứng NPD vì như vậy là một hành vi xúc phạm danh dự người khác.
Đối với những người nghi ngờ rằng bản thân có xu hướng tính cách ái kỷ (narcissism) mà chưa đến mức mắc bệnh Rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) thì có thể thực hiện bài test theo công cụ “Narcissistic Personality Inventory” (viết tắt là NPI) được phát triển từ năm 1979 bởi Raskin và Hall. NPI là một trong những công cụ đánh giá xu hướng tính cách ái kỷ phổ biến nhất từ khi phát triển cho đến nay. Bạn nào không có tiếng Anh có thể dùng google dịch vì bài test sẽ cho ra kết quả trực tuyến ngay khi hoàn thành: http://openpsychometrics.org/tests/NPI/1.php
NPI còn được nhiều tổ chức đưa vào quy trình tuyển dụng nhằm tuyển chọn những người phù hợp: hoặc là tuyển những người không phải ái kỷ hoặc là cố tình chọn người có tính cách ái kỷ cho những vị trí nhất định.
Ở các nước phát triển, bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ các kiến thức về ái kỷ (narcissism), ví dụ: các nạn nhân chia sẻ trải nghiệm khi tương tác với ái kỷ, các luật sư chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ đối với các vụ ly hôn với ái kỷ, các bác sĩ tâm lý thực hiện công việc “giáo dục tâm lý” cho người dân (một việc mà hiện nay vẫn được coi là “xa xỉ” đối với hệ thống y tế của các nước đang phát triển khi đề cập đến tâm bệnh), v.v.
Hi vọng trong thời gian tiếp theo, sẽ càng ngày càng có nhiều người phổ biến MIỄN PHÍ những kiến thức hữu ích này đến người Việt, đặc biệt là những bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý có chuyên môn và bề dày kinh nghiệm thực tiễn.