Ái kỷ có được coi là người trường thành? Thầy Minh Niệm

Đã trưởng thành chưa?
1. Trưởng thành là đã bước qua giai đoạn trẻ con ham ăn, ham ngủ, ham chơi, thích gì làm nấy, muốn gì thì phải có cho bằng được, hỏi gì cũng không biết.
2. Người trưởng thành thích dựa vào sức mình, chuyện gì làm được là không nhờ vả, không thích ngồi không ăn bám, không chìa tay xin tiền, yêu sách này nọ.
3. Người trưởng thành luôn ý thức phải đối mặt với thử thách, gặp khó khăn thì bình tĩnh tìm cách giải quyết chứ không nhảy dựng lên hay bỏ chạy.
4. Người trưởng thành phải biết mình đang làm gì, nói gì, việc đó có ảnh hưởng như thế nào đến bản thân, gia đình hay đoàn thể, chứ không có chuyện làm đại làm càn theo lời xúi giục, dụ dẫn, hay chỉ vì có cơ hội tốt thì cứ nắm lấy mà không nghĩ đến hậu quả hay sự ảnh hưởng.
5. Người trưởng thành chịu trách nhiệm với những gì mình làm, không đổ thừa kẻ khác hay hoàn cảnh, khi đã làm thì làm tới cùng mà không dễ bỏ cuộc.
6. Người trưởng thành không dễ dàng để cho cơn giận hay những cảm xúc tiêu cực khống chế, mỗi khi lỡ bung ra lời nói hay hành động gây tổn thương người khác thì tự biết xin lỗi và tìm cách điều chỉnh lại bản thân ngay.
7. Người trưởng thành không dễ tự ái, tổn thương mỗi khi bị phê bình, chỉ trích, trái lại luôn mở lòng ra đón nhận những lời góp ý chân thành.
8. Người trưởng thành nói năng phải rõ ràng, mực thước, chứ không có nghĩ gì nói nấy, hay cao hứng lên thì hứa hẹn đủ điều xong rồi quên sạch.
9. Người trưởng thành làm việc gì cũng phải có kế hoạch, có bài bản, có cân nhắc, chứ không làm theo ngẫu hứng, cả nể, rồi lại đùn đẩy hết cho người khác.
10. Người trưởng thành biết quan tâm và chia sẻ khó khăn cùng những người thân hay những người sống và làm việc chung với mình, luôn luyện tập nới rộng trái tim để có thể bao dung những yếu kém hay lỡ lầm của kẻ khác.
11. Người trưởng thành sống phải có lý tưởng, phải hướng tới những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội, thay vì chỉ lo tích góp cho quyền lợi cá nhân hay bất kể đến những thiệt hại, khó khăn và khổ đau của kẻ khác.
(trích đoạn “Đã trưởng thành chưa” trong cuốn “Làm như chơi” của thầy Minh Niệm)
Dựa vào một vài liệt kê của thầy Minh Niệm về những phẩm chất của một người trưởng thành, có thể thấy, những người ái kỷ không thể được coi là những người đã trưởng thành. Khác với những người bị lây nhiễm một vài đặc điểm của ái kỷ, người có tính cách ái kỷ thực tế đã không thể hoàn thiện nhân cách trong hơn 20 năm đầu đời vì nhiều lý do, hầu hết là do được nuông chiều quá mức, hoặc bị bạo hành tinh thần, thể chất hoặc bị bố mẹ bỏ rơi, dẫn đến họ bị chặn lại ở một giai đoạn nào đó trong quá trình hình thành nhân cách. Bản chất họ vẫn là những đứa trẻ con trong hình hài của người trưởng thành. Vẫn là giãy đành đạch ra ăn vạ, đòi gì được nấy, không thể kiểm soát cảm xúc, thích chơi những trò trẻ con như kiểu ú tim, trốn tìm, đuổi bắt, chơi khăm và bắt nạt, thích thì làm không thích thì thôi, luôn cần người khác chăm ẵm, nâng niu, chiều chuộng, khen ngợi. Do đó, khi xem xét một ai đó có kiểu tính cách ái kỷ hay không, chúng ta nên xem lại toàn bộ thời thơ ấu và phong cách mà người đó được nuôi dạy để xác định xem, những nét tính cách của họ đã được hình thành và củng cố ra sao, đã lặp đi lặp lại như thế nào từ khi họ là thanh thiếu niên cho đến khi trưởng thành. Có thể nói, đó là một kiểu nhân cách vốn đã bị lỗi ngay từ giai đoạn hình thành, và quan trọng hơn cả, dạng nhân cách này bị lỗi ở một điểm yếu chí mạng, đó là không có khả năng tự nhận thức và tự soi xét để điều chỉnh bản thân. Họ có EQ cực kỳ thấp, không thể nhìn ra, hoặc nếu có nhìn ra cũng không có khả năng chấp nhận thiếu sót của bản thân. Như một cái vòng luẩn quẩn, vì EQ thấp nên họ không thể tự điều chỉnh bản thân để khắc phục nhược điểm chí mạng này. Rõ ràng, trẻ con không thể dạy chính bản thân chúng và những đứa trẻ khác trở thành người lớn. Vậy nên người ái kỷ có nhiều khả năng sẽ tiếp tục đào tạo ra những thế hệ ái kỷ tiếp theo.
Dựa vào những phẩm chất của một người trưởng thành mà thầy Minh Niệm có liệt kê ở trên, các bạn hãy tự chấm xem bản thân được bao nhiêu điểm? Xin mượn câu kết của thầy Minh Niệm trong một cuốn sách mà thầy tâm đắc hơn cả cuốn sách nổi tiếng “Hiểu về trái tim”, đó là cuốn sách “Làm như chơi”: “Mỗi ngày tôi luôn tự hỏi mình phải làm gì đây để trở thành một con người đích thực?” (Everyday I ask myself, what will I have to do to be a man?”)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay