Vì sao có những trường hợp cha mẹ xem con cái là ‘vật trang trí’, các cô vợ đóng vai nạn nhân, những ông chồng xem vợ là ‘bao cát’?
Bạo hành ái kỷ rất khác so với những bạo hành thông thường. Nó là tổng hòa của tất cả các kiểu bạo hành khác, bao gồm: bạo hành cảm xúc, bạo hành ngôn từ, bạo hành thể chất, bạo hành tài chính.
Tuy nhiên, bạo hành ái kỷ nguy hiểm hơn các kiểu bạo hành thông thường ở chỗ nó mang danh nghĩa của tình yêu thương nhằm có được quyền lực và sự kiểm soát. Nó không mong muốn giết chết con mồi hay khiến con mồi hoảng sợ bỏ chạy, mà nó sẽ từ từ hút cạn năng lượng khiến con mồi mất hoàn toàn khả năng tự vệ, tự biến bản thân trở thành cái bao cát cho ái kỷ tha hồ đạp lên đó, để giúp thỏa mãn cái tôi to đùng nhưng quá đỗi mong manh của ái kỷ.
Có thể ví von rằng, bạo hành ái kỷ như những viên thuốc độc bọc đường, tình yêu thương và sự quan tâm bỗng nhiên trở thành công cụ để tra tấn và hành hạ người khác. Và bạo hành thì sẽ luôn là bạo hành, bất kể người bạo hành có đi chuẩn đoán bác sĩ hay không.
Trong nhiều thập niên gần đây, thuật ngữ “narcissist” (tạm dịch tiếng Việt là “ái kỷ”) được nhắc đến rất nhiều ở các nước phương Tây. Ở đó, các bác sĩ trong lĩnh vực tâm thần và trị liệu tâm lý đã và đang ra sức thực hiện một công việc vô cùng quan trọng, đó là “phổ cập kiến thức tâm lý cho toàn dân”, một công việc được coi là “xa xỉ” đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Thậm chí, chính các bác sĩ Việt Nam trong lĩnh vực này còn có những phát ngôn kiến cho đồng nghiệp và người dân e ngại khi chia sẻ miễn phí các kiến thức này cho mọi người như kiểu: không ai được quyền chuẩn đoán người khác là ái kỷ, không được quyền gán mác hay phát ngôn bừa bãi dẫn đến những hậu quả khôn lường…
Vâng, họ nói đúng! Chúng ta không có quyền tự ý chuẩn đoán ai đó bị “điên” hay bị mắc chứng “rối loạn nhân cách ái kỷ”. Thế nhưng, hãy nghiên cứu sâu hơn về những gì mà các bác sĩ và chuyên gia nước ngoài đang làm, họ đang phổ cập giáo dục tâm lý cho toàn dân để nhận diện một thứ gọi là “narcissism” – một kiểu tính cách độc hại chứ không phải là “narcissistic personality disorder” – một loại bệnh có tên “rối loạn nhân cách ái kỷ” được quy định trong Cẩm nang chuẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (viết tắt là DSM-5).
Toàn bộ những kiến thức của các bác sĩ phương Tây đã và đang trở thành một công cụ cực kỳ hữu ích để đọc vị tính cách và nhận diện những kiểu người độc hại trong xã hội (bên cạnh công cụ đọc vị DISC dành cho những kiểu tính cách bình thường).
Vậy thì, kiểu tính cách ái kỷ được đặc trưng là gì? Đặc điểm chính yếu đầu tiên là: Quá coi trọng bản thân đến mức coi thường và sẵn sàng chà đạp lên lòng tự trọng cũng như các quyền tự do cơ bản của người khác. Những quyền này là quyền được sống cuộc đời của họ, được làm những gì họ thích mà không trái với các quy tắc xã hội, quyền được thử thách và thất bại, quyền được yêu, được tôn trọng và ghi nhận sự những nỗ lực mà họ đã phấn đấu để làm tròn bổn phận của bản thân.
Đặc điểm chính yếu thứ hai, một đặc điểm mấu chốt để xác định ai đó có kiểu tính cách ái kỷ hay không, đó là dựa vào đặc điểm “thiếu đồng cảm”. Những người có kiểu tính cách ái kỷ vẫn có cảm xúc, biết yêu thương và biết xấu hổ nhưng khả năng đó không nhiều, họ có EQ (trí tuệ cảm xúc) thấp, lạnh lùng, thiếu sợi dây gắn kết về tình cảm với người khác.
Hầu như họ chỉ duy trì được sợi dây tình cảm dồn dập trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ và sẽ sớm chấm dứt giai đoạn đó vì bản chất họ không có đủ năng lực để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, bền chặt. Họ không có đủ lòng trắc ẩn và khả năng thấu cảm để có thể cảm nhận hết những nỗi đau mà người khác phải chịu đựng khi sống cùng với họ.
Ngoài hai đặc điểm chính nêu trên, người có kiểu tính cách ái kỷ sẽ có thêm những đặc điểm khác như: luôn đòi hỏi được mọi người quan tâm, ngưỡng mộ; cực kỳ nhạy cảm với chỉ trích, rất dễ nổi giận khi ý kiến của mình không được mọi người phục tùng; luôn tìm kiếm cơ hội để lợi dụng người khác, chiếm phần lợi về mình trong các mối quan hệ; có thái độ, hành vi kiêu căng, ngạo mạn; thường ghen tị với người khác hoặc tin rằng người khác luôn ghen tị với mình.
Những đặc điểm của kiểu người ái kỷ dưới góc độ nhà Phật được gọi là những người có tâm tham – sân – si – mạn – nghi cao hơn hẳn so với những người khác, nhưng họ luôn bao biện cho cái tâm tham – sân – si – mạn – nghi đó bằng vỏ bọc là tình yêu thương và sự quan tâm của họ dành cho người khác.
Trong xã hội hiện đại, các nạn nhân của bạo hành thường sẽ không bị bạo hành bằng đòn roi mà chủ yếu bị bạo hành về tinh thần với các chiêu thức thao túng tinh vi như: gây hấn ngấm ngầm, im lặng độc hại, sử dụng cơn giận dữ ái kỷ để ép buộc, nói những lời đường mật xen lẫn những hành vi bạo hành, thao túng tâm lý (tiếng Anh là “gaslighting”) khiến cho nạn nhân luôn cảm thấy bản thân vô dụng, không bao giờ là đủ tốt, không xứng đáng được người ái kỷ tôn trọng và yêu thương.
Cha mẹ ái kỷ sử dụng con cái như vật trang sức, bắt chúng phải có nghĩa vụ làm đẹp mặt cho cha mẹ, biến cha mẹ trở thành những người thành công và hạnh phúc. Người chồng ái kỷ sẽ sử dụng cô vợ như những bao cát để họ tha hồ hành hạ, chà đạp, bóc lột nhằm thỏa mãn cái tôi đói khát của ái kỷ.
Những cô vợ ái kỷ ngấm ngầm sẽ thường xuyên phàn nàn, kêu ca không ngừng nghỉ, họ là bậc thầy trong việc đóng vai nạn nhân, luôn buộc tội và chỉ trích người chồng vì đã không thể đem lại hạnh phúc viên mãn cho cô – một người vợ tội nghiệp nhất thế gian.
Chính vì kiến thức về ái kỷ chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam cũng như các nước châu Á nói chung, nên hầu hết các nạn nhân ái kỷ thường sẽ khó nhận định chính xác tình trạng bị bạo hành. Họ bị bạo hành bằng ngôn từ mỗi ngày nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là vì người kia muốn tốt cho mình nên mới nói những lời khó nghe.
Họ bị bóc lột sức lao động nhưng lại nghĩ rằng nhờ có người kia mà mình mới có động lực để phấn đấu. Họ thường xuyên bị hạ thấp giá trị, tấn công vào phẩm giá và lòng tự trọng, đẩy họ rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ… nhưng họ vẫn nghĩ rằng là do họ yếu đuối và hèn nhát.
Nhiều người dù đã tìm kiếm đến những phương pháp chữa lành như thiền tập, yoga, NLP… nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời nếu họ không thực sự tách rời khỏi kẻ bạo hành. Nhiều khi, chính những kẻ bạo hành đó sẽ đồng hành cùng các nạn nhân đi khắp nơi để chữa trị các căn bệnh về tinh thần, đồng thời vẫn không ngừng dằn vặt và ném cảm xúc tiêu cực về phía người bệnh.
Như vậy, tình trạng trầm cảm, lo âu của họ sẽ không bao giờ chấm dứt. Họ phải sống chung với bạo hành và phải uống thuốc an thần cả đời mà không có cách nào để thoát ra. Không phải tất cả những người bị bạo hành và bị trầm cảm đều là nạn nhân của ái kỷ, nhưng hầu hết các nạn nhân của bạo hành ái kỷ đều sẽ gặp những vấn đề về tinh thần.
Có nhiều người ái kỷ cũng sẽ mắc trầm cảm hoặc rối loạn lo âu vì họ lên mạng “chửi bới” nhiều ngày mà không thu được sức ảnh hưởng như họ mong muốn, họ giẫm đạp lên vợ con để đòi hỏi được cung phụng về tiền bạc nhưng không đạt được mục tiêu, họ vận dụng đủ mọi chiêu trò để chơi khăm đồng nghiệp, lấy lòng cấp trên để mong được thăng chức, nhưng cuối cùng họ thất bại trong cuộc đua danh vọng.
Tôi hy vọng qua bài viết này, một ai đó chẳng may rơi vào mối quan hệ với người ái kỷ “độc hại” sẽ thấy bóng dáng của bản thân trong những mô tả sơ lược ở trên. Từ đó có cái nhìn thực tế về mối quan hệ, để không bị mờ mắt bởi những lời đường mật của ái kỷ hay bị che mờ bởi hình ảnh hoàn hảo mà họ luôn cố gắng tạo dựng với thế giới bên ngoài.
Bạo hành sẽ luôn là bạo hành, nó không tự đến rồi tự đi như những cảm xúc thông thường. Nó sẽ luôn nằm ở đó và gây đau đớn cho các nạn nhân, cho đến khi họ cập nhật đủ kiến thức để nhận diện và thấu tỏ mọi việc. Từ đó, giai đoạn chữa lành mới thực sự bắt đầu.
Tác giả: Luật sư Nguyễn
Nguồn: Vnexpress