Vì đây là cách dễ nhất, hiệu quả nhất mà người Ái Kỷ dùng để: trốn tránh trách nhiệm, né tránh sự xấu hổ và tránh việc giải trình cho hành vi của mình.
Khi có bất đồng với ai đó, họ thường sử dụng 1 (vài) chiến thuật phổ biến sau:
Silent treatment (Chiến tranh lạnh)
Giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra (Đánh trống lảng)
Buộc tội, nói lại bạn nếu bạn chất vấn (Đổ lỗi)
Giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự việc
Lưu ý: Các bước này được họ thực hiện bản năng và “tự nhiên như hơi thở” nên phần lớn nạn nhân sẽ thuận theo và xí xóa, bỏ qua dẫn đến rơi vào vòng lặp bạo hành hết lần này đến lần khác.
1. VÍ DỤ MINH HỌA
Bạn với chồng bất đồng vì 1 chuyện gì đấy. Anh ấy để bạn nằm suy nghĩ, vật vã, lo lắng cả đêm còn mình thì ngủ ngon lành. Sáng hôm sau khi bạn uể oải, rũ rượi và muốn nói chuyện thẳng thắn giải quyết vấn đề cho xong thì họ lại cư xử như chẳng có chuyện gì cả. Thậm chí còn vờ như đang tình cờ nấu bữa sáng cho cả nhà và hỏi han về lịch trình trong ngày.
Sếp bạn đã la hét, chửi mắng bạn trước toàn thể công ty, đồng nghiệp. Bạn vô cùng xấu hổ và cảm thấy bị tổn thương lòng tự trọng vì điều này. Ấy vậy mà hôm sau khi gặp lại vị sếp đó lại niềm nở: “Cô A à, đang làm gì thế? Hôm nay có gì vui mà diện áo đẹp thế? Trông xinh hơn hẳn ngày thường”
Bạn có 1 anh người yêu điển trai. Anh ấy có thể bỏ bê, không nói chuyện với bạn trong 3 tuần, 1 tháng… rồi đột nhiên 1 ngày anh ấy gọi điện rủ bạn đi chơi: “Hey, đi chơi không? Sao thời gian qua em im ắng thế? Bận à?”. Họ cư xử như vừa rồi bận quá và chỉ mới 1 vài ngày trôi qua, cứ như quãng thời gian thờ ơ kia chưa từng có thật.
Vì sao lại như vậy? Bởi vì họ muốn tránh sự xấu hổ và không muốn bị chất vấn bởi những gì họ đã nói hoặc làm. Nếu bạn vẫn thắc mắc, đặt câu hỏi thì thường họ sẽ nói lại bạn, buộc tội bạn vì đã để bụng, nhỏ nhen, sống mãi trong quá khứ, làm giảm mức độ nghiêm trọng của mọi việc.
Ví dụ: “Chuyện hôm qua là hôm qua, vợ chồng mâm bát xô nhau là bình thường”, “Có mỗi tí việc mà nhai đi nhai lại”, “Sống kiểu như vậy ai mà chịu nổi”….
Sau đó họ tiếp tục dạy dỗ đề cao sự bao dung, tha thứ giữa người với người + nhắc bạn nhớ về những lúc họ hi sinh, tốt bụng với bạn. Mục đích là để “chuyện to hóa chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hóa hư không” và dẫn bạn tới kết luận: New me, new you, new day, new you. Mọi chuyện đã là quá khứ, chúng ta phải biết sống cho hiện tại và hướng tới tương lai.
Nói tóm lại khi cuộc trò chuyện kết thúc, bạn sẽ không được nhắc đến chuyện này 1 lần nào nữa (trừ khi việc này có lợi cho họ).
Nếu bạn nghĩ kịch bản trên đã là tệ rồi thì chưa đâu. Ở trên ít ra người Ái kỷ kia vẫn còn muốn đối thoại còn đa số trường hợp AK nóng nảy hơn thì sẽ cắt ngang ý định mở lời của bạn. Bạn còn không có nổi 1 cơ hội để đề cập đến vấn đề. Ví dụ:
A: “Mẹ ơi, chuyện hôm qua mẹ con mình cãi nhau…”
B: “KHÔNG. Giờ tao không muốn nghe gì hết. Mày toàn nghĩ linh tinh rồi đòi hỏi vô lý. Chẳng ai rảnh hơi giải quyết mấy việc đấy của mày. Còn bao nhiêu việc phải làm”.
=> Đây chính là “thẻ đỏ” cảnh cáo bạn đừng dại mà nhắc lại. Nạn nhân nhận ra họ sẽ phải tự cam chịu, tự thu xếp, tự giải quyết vấn đề từ chính những lần dằn mặt như thế này. Lâu dần họ trở thành người bị động, không dám phản kháng nữa.
2. NGUYÊN NHÂN SÂU XA CHO HÀNH VI NÀY
Như đã nói ở trên, người Ái Kỷ làm vậy để trốn tránh trách nhiệm, tránh sự xấu hổ và tránh việc giải trình cho những hành vi vô lý của mình. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn chính là:
Cảm giác xấu hổ (Shame) khiến người Ái kỷ bị tổn thương mạnh mẽ.
Nó là 1 đòn siêu đau, siêu mạnh tấn công vào cái Tôi đầy mong manh, nhạy cảm của họ.
Nó phá nát hình ảnh hoàn hảo, lương thiện mà họ tự xây ra cho chính mình.
Vì quá đau nên họ sẽ né tránh cảm giác này bằng mọi giá, lảng tránh hay thậm chí tấn công ngược lại bạn để được bình yên.
Giống như 1 đứa trẻ bị buộc tội ăn trộm tiền vậy. Bạn sẽ nó lảng tránh ánh mắt bạn và chỉ vu vơ: “Mẹ nhìn cái kia kìa”. “Tối nay mẹ nấu gì thế”, kể lể chuyện trên lớp….để đánh lạc hướng bạn. Nếu bạn nghiêm khắc cứng rắn nó sẽ lăn đùng ra gào khóc ăn vạ, làm mọi hành động phiền toái để tránh thừa nhận mình đã ăn trộm tiền. Nó không muốn đối mặt với hành vi xấu nó gây ra.
=> Bạn đã thấy người AK cư xử giống 1 đứa trẻ trong thân xác người lớn chưa?
3. KẾT LUẬN
Người Ái Kỷ không muốn NGHE về lỗi lầm của mình.
Họ không muốn ai CHỈ BẢO, KIỂM SOÁT hành vi của họ
Bạn chỉ có thể bắt 1 người chịu trách nhiệm nếu họ có đủ NHẬN THỨC để biết mình sai ở đâu, đủ DŨNG CẢM để tiếp nhận sự thật đó và đủ YÊU THƯƠNG bạn để nhận lỗi với bạn. Nhưng 1 người có những yếu tố đó thì đã không làm tổn thương bạn ngay từ đầu rồi.
Nếu muốn người AK tỉnh thì sẽ cần phải 1 đòn bẩy cực mạnh của Vũ Trụ, số trời. Tất cả hợp lại cùng “tẩn” họ một trận đến mức họ chạm đáy (Rock bottom) thì may ra. Vd: vợ bỏ, con không nhìn mặt, sự nghiệp tan hoang, bồ bịch phản bội..v.v.. Còn không thì chúng ta rất dễ rơi vào cảnh đau khổ trong khi họ vẫn nhơn nhơn.
Phía trên là một số chia sẻ góp nhặt trên hành trình chữa lành của mình. Khi biết những điều trên rồi, bạn có còn mong chờ người Ái kỷ nhận lỗi vì những hành vi sai trái họ đã làm với bạn nữa không? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn nhé.
Tác giả: Thanh Tú – thành viên nhóm Ái kỷ – narcissim (ảnh tác giả)