Bị bỏ bùa mê hay bị bạo hành tinh thần?

Gắn kết đau thương (tiếng Anh “Trauma Bonding”) là bi kịch lớn nhất của các nạn nhân bị bạo hành ái kỷ – một dạng bạo hành tinh thần đặc biệt, đang được nhắc đến rất nhiều ở các nước phương Tây những năm gần đây. Theo đó, người bị bạo hành dần dần phụ thuộc về mặt cảm xúc vào kẻ thủ ác thông qua một quá trình gọi là “Gắn kết đau thương”. Bây giờ, hãy liên kết gắn kết đau thương và ba giai đoạn cần phải có trong mọi mối quan hệ của ái kỷ: Lý tưởng hóa (Idealization) – Hạ thấp giá trị (Devaluation) – Chối bỏ (Rejection).
Chính những giây phút ngọt ngào trong giai đoạn đầu của mối quan hệ đã khiến cho các nạn nhân bị lóa mắt, tin tưởng tuyệt đối vào tình cảm chân thành mà kẻ bạo hành dành cho họ. Đồng thời họ không có đủ khả năng để chấp nhận sự thật phũ phàng rằng, hóa ra họ đang bị lừa dối và chơi khăm bởi những kẻ thao túng, kể cả khi họ bị tra tấn tinh thần hay thậm chí là cả thể xác trong suốt một thời gian dài. Khi trẻ em và phụ nữ bị dội bom tình trong giai đoạn đầu của mối quan hệ, sau đó bị thiếu thốn tình cảm, bị đối xử khắc nghiệt quá lâu, thì theo lẽ tự nhiên, họ sẽ thấy tràn ngập cảm giác yêu thương và biết ơn kẻ bạo hành vi đã ném cho họ những mẩu vụn bánh mỳ (tiếng Anh là “breadcrumb”). Kẻ bạo hành lúc này bỗng dưng trở thành anh hùng trong mắt các nạn nhân (Hội chứng Stockholm). Thật là hài hước và đau thương.
Cách hành xử bất nhất với những chu kỳ bỏ đói rồi cho ăn, bạo hành rồi giải cứu hết ngày này sang ngày khác khiến cho các nạn nhân bị lóa mắt không nhận ra bản chất thật sự của kẻ bạo hành và dần dần quen với kiểu hành xử bất bình thường đó. Gắn kết đau thương trở thành đặc sản chỉ có trong các mối quan hệ ái kỷ mà khó có thể tìm thấy trong các mối quan hệ khác. Dường như cảm giác tràn ngập hạnh phúc và biết ơn sau những tháng ngày dài mòn mỏi tìm kiếm chính là một chất ma túy tự nhiên (dopamine), khiến cho các nạn nhân bị nghiện vào mối quan hệ với ái kỷ. Chính hoocmon hạnh phúc này là thứ mà họ không thể tìm thấy ở những mối quan hệ lành mạnh mà dưới góc nhìn của họ, có vẻ đó là những mối quan hệ nhàm chán và đơn điệu.
Hãy tưởng tượng xem, người ái kỷ (thậm chí là thái nhân cách) liên tục nhắc đến những giây phút ngọt ngào của gia đình với vợ cũ trước mặt con gái và nhân tình. Một mũi tên trúng hai đích. Hắn khiến cho con gái tin chắc chắn rằng cha cô bé là người tốt, đã yêu thương và chăm sóc cô đến nhường nào, rằng cha là người đàn ông của gia đình, hết mực yêu thương vợ con. Việc mà cha và dì ghẻ đang làm chỉ đơn giản là cách để dạy dỗ con cái bởi vì cô bé đã không đủ ngoan ngoãn như cha cô kỳ vọng. Điều này khiến cho cô bé, dù bị bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần nhưng vì tình yêu thương ngộ nhận từ người cha và những giây phút tươi đẹp đan xen lẫn lộn với hành vi bạo hành, cô đã không lên tiếng bảo vệ bản thân mà vẫn cắn răng chịu đựng sự hành hạ khủng khiếp. Đồng thời, hắn cũng châm ngòi cơn ghen mù quáng và kích động thú tính trong người của cô bồ trẻ mới chập chững bước vào đời với đầy tham – sân – si và dục vọng, bị người tình che mắt và dẫn dụ vào con đường phạm tội. Cô ta cũng chẳng thể dứt khỏi hắn mà ngược lại, sẵn sàng thực hiện bất kỳ điều gì với mong muốn làm người tình hài lòng và ném cho cô ta những mẩu vụn bánh mỳ. Thậm chí, cô ta sẵn sàng nhận mọi trách nhiệm về mình và chừa cho người tình tàn độc một cơ hội sống.
Gắn kết đau thương có thể làm mờ mắt chính những người là bác sĩ tâm lý trị liệu trong mối quan hệ cá nhân của họ với kẻ thao túng.
Các nạn nhân trong mối quan hệ với ái kỷ sẽ được ái kỷ đào tạo và tôi luyện để cực kỳ giỏi trong việc thao túng tâm lý (“gaslighting”) chính bản thân họ, rằng bản thân họ không bao giờ là đủ tốt, không có giá trị, không xứng đáng được tôn trọng và yêu thương. Gắn kết đau thương (“Trauma bonding”) và thao túng tâm lý (“gaslighting”) suốt một thời gian dài sẽ khiến những đứa trẻ bị bạo hành tìm mọi cách để ngụy biện và bình thường hóa những hành vi bạo hành của cha mẹ chúng. Chúng sẽ tìm mọi cách lý tưởng hóa và xoa dịu nỗi đau bằng cách chối bỏ sự thật rằng cha mẹ chúng thực sự không yêu thương chúng. “Cha mẹ nào mà chẳng thương con” trở thành một câu thần chú mà chúng phải cố gắng bám víu, kể cả có bị đánh đến c.h.ế.t cũng sẽ không từ bỏ. Đến chính các vị thẩm phán, kiểm sát viên khi tiếp xúc với kẻ bạo hành cũng khó có thể bắt ép bản thân vào suy nghĩ rằng, những kẻ làm cha làm mẹ đó hoàn toàn không có năng lực để yêu thương con cái. Vì có những bằng chứng rất rõ ràng cho thấy anh ta, cô ta đã quan tâm, chăm sóc và yêu thương con cái như vậy cơ mà. Chỉ có những kẻ khác máu tanh lòng mới có thể nhẫn tâm như vậy thôi. Kể cả khi đã có kiến thức mà chưa được trải nghiệm thực tế thì những người ngoài cũng khó mà thấu hiểu bản chất của kẻ bạo hành.
Chúng ta thường chỉ ghi nhận những trận đòn chí mạng là bạo hành, mà bỏ qua bạo hành về tinh thần như bỏ đói về mặt tình cảm, ép buộc làm những điều trái với mong muốn, bạo hành về ngôn từ hay ngôn ngữ cơ thể nhằm hạ thấp giá trị và khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ về bản thân. Các nạn nhân bị bạo hành tinh thần có thể sẽ không bị đánh một cái nào trong suốt mối quan hệ, nhưng họ vẫn lâm vào tình cảnh lo âu trầm cảm, mất hoàn toàn niềm vui trong cuộc sống và buộc phải giả vờ như không có chuyện gì xảy ra.
Những kẻ bạo hành cực kỳ thích thú với trò chơi kiến tạo nên những Gắn kết đau thương với các con mồi. Cảm giác có được khả năng điều khiển và chơi khăm người khác giúp não tiết ra hoocmon hạnh phúc có tên dopamine, đem lại cho ái kỷ và thái nhân cách cảm giác chiến thắng, cảm giác hưng phấn, giúp họ sinh tồn trong cái bản thể vô cảm xúc, vô lương tâm, không có khả năng yêu thương người khác thật lòng. Họ cũng chẳng dại gì mà yêu thương ai hết mình để rồi chắc chắn sẽ bị đau hết lòng, như những kẻ mà chúng coi là ngốc nghếch vì đã ngu muội mà dành tình cảm cho chúng. “Yêu chó chó liếm mặt” và “Thà ta phụ người chứ quyết không để người phụ ta” chính là những câu thần chú mà kẻ bạo hành sử dụng để tự bào chữa cho hành vi sai trái của họ. Đối với họ, việc thao túng tinh thần người khác là minh chứng cho sự tài giỏi và vượt trội hơn người chứ chẳng có gì sai. Trong khi đó, những nạn nhân của bạo hành ái kỷ thường sẽ vật vã trong đau khổ, liên tục tự vấn bản thân, dần dần rơi vào hố sâu của lo âu, trầm cảm “tự sinh”, luôn cảm thấy có lỗi với kẻ bạo hành vì đã không đủ tốt, không xứng đáng với những tặng phẩm được kẻ bạo hành ban phát. Họ tự nguyện làm cái bao cát cho kẻ bạo hành cả đời và một mực phớt lờ những lời khuyên can của người ngoài.
Gắn kết đau thương giống như một cách thức thao túng bẩn thỉu mà những người ái kỷ và thái nhân cách ưa dùng. Đây là một tiến trình có chủ đích nhằm khiến người khác lệ thuộc vào mình trong các mối quan hệ.
Ngày nay, có rất nhiều người lên mạng dạy nhau các chiêu thức tương tự nhằm chiếm phần lợi về họ trong các mối quan hệ. Điều này thực sự là một vấn nạn đang âm thầm lan nhanh trong xã hội hiện đại. Hi vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều người nghiên cứu và phổ biến miễn phí những kiến thức về ái kỷ và thái nhân cách cho người Việt. Đây là cách thức duy nhất để giúp đỡ các nạn nhân ái kỷ thoát khỏi vấn nạn bạo hành tinh vi và cực kỳ nguy hiểm này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay