9 chiêu trò tranh chấp thừa kế ‘biết thua nhưng vẫn kiện tụng’

Dù biết kết quả thua, những người này vẫn cố chấp ‘quậy đục nước’ bằng cách khởi kiện ra tòa.

Với tư cách là một luật sư nhiều năm kinh nghiệm, tôi xin nêu ra các chiêu trò thường thấy khi tham gia vụ kiện tranh chấp tài sản, nhất là có sự xuất hiện của người ái kỷ, đó là:

1. Cố gắng lôi kéo “đội khỉ bay” nhiều nhất có thể, bao gồm: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và đặc biệt là người ngoài bằng các phương tiện truyền thông như đăng vụ việc lên mạng xã hội, có những phát ngôn gây sốc, cố tình khiến vụ việc trở nên ồn ào và rắc rối.

2. Liên tục thay đổi yêu cầu và quan điểm, kể cả khi đã thống nhất trước đó.

3. Sử dụng điểm yếu của đối phương để tấn công như lôi các bí mật đời tư, tấn công vào con cái và những người mà đối phương yêu quý.

4. Đặc biệt họ sẽ thực hiện các chiến dịch cô lập và bôi nhọ danh dự để làm đối phương mất thanh danh, sự nghiệp. Đương nhiên, trong trường hợp này, đội ngũ “khỉ bay” là những người có vai trò quyết định. Vì vậy, hãy cẩn thận để đừng vô tình tiếp tay cho họ tấn công các nạn nhân.

5. Gây khó khăn trong việc xét xử như cố tình không hợp tác trong việc cung cấp thông tin, bằng chứng, xác minh, giám định, cố tình khai sai, khai gian dối, bịa đặt, vu khống, dựng chuyện để gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng, chiếm phần lợi về họ trong vụ việc.

6. Cố tình kéo dài vụ việc lâu nhất có thể bằng cách: liên tục viện lý do báo hoãn phiên tòa, theo kiện nhiều cấp, từ cấp sơ thẩm cho đến cấp phúc thẩm, sau đó, sẽ tiếp tục vạch lá tìm sâu để theo lên các cấp cao hơn như tái thẩm, giám đốc thẩm nếu có thể.

Chưa hết, đến khi bản án chính thức có hiệu lực và chuyển sang giai đoạn thi hành án, họ cũng sẽ tìm mọi cách để gây khó dễ, khiến cơ quan chức năng án mất nhiều thời gian và chi phí hơn trong việc thi hành án.

7. Đóng vai nạn nhân, kêu gọi sự thương hại của tất cả mọi người. Ái kỷ chính là nguồn cơn của mọi rắc rối do lòng tham và sự ích kỷ của họ gây ra, nhưng sau đó, họ vẫn có thể hồn nhiên đóng vai nạn nhân trước tất cả mọi người, rằng họ xứng đáng là người nhận được sự quan tâm và thương cảm của những người xung quanh, rằng họ đang bị đẩy vào tình thế khó khăn, không nhà cửa, không người thân, bị đối xử tệ bạc, không có tình người.

8. Nhiều trường hợp, sau khi chủ động tạo ra các vụ tranh chấp, họ sẽ đóng vai anh hùng để chấm dứt vụ việc.

Khi đó tất cả mọi người, bao gồm cả các cơ quan chức năng cũng như những người trong cuộc sẽ thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng vụ việc đã được giải quyết. Quá mệt mỏi với sự tra tấn tinh thần mà họ gây ra, như một điều tất yếu, vào thời khắc đó, tất cả mọi người sẽ thật sự hạnh phúc và biết ơn kẻ bạo hành.

9. Sử dụng các công cụ bất hợp pháp, có hành vi kích động, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của các cá nhân tham gia tranh tụng.

Trong quá trình hành nghề, tôi đã chứng kiến nhiều vụ tranh chấp di sản sau khi người thân trong gia đình qua đời.

Không phủ nhận rằng, công lao của người đi trước là rất to lớn và đáng ngưỡng mộ.Tuy nhiên, việc nuông chiều anh chị em, con cái không phải là cách đúng đắn để dạy dỗ và nâng đỡ nhau. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho những hậu quả do bản thân gây ra.

Cờ bạc và lười biếng thì phải chịu sống nghèo sống khổ; ngoại tình trai gái thì thì phải chịu cảnh vợ bỏ con chê, gia đình tan nát; tham lam vô lối cuối cùng sẽ bị người người cười chê; và ái kỷ thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với một kết cục cô đơn, mất kết nối với tất cả những người xung quanh.

Nếu cứ liên tục tha thứ và bao dung cho những hành vi sai trái của họ hết lần này đến lần khác thì làm sao quy luật nhân quả có thể vận hành? Không được trải nghiệm hậu quả do chính mình gây ra thì đến bao giờ họ mới học được bài học đó để thay đổi?

Theo định nghĩa khái quát về Ái kỷ (tiếng Anh là “Narcissism”), phù hợp với các định nghĩa chuyên sâu của các bác sĩ tâm lý nước ngoài, thì: “Ái kỷ” là một kiểu tính cách tự cho mình là trung tâm, được đặc trưng bởi mối bận tâm quá mức về bản thân và nhu cầu của chính mình, thường gây tổn hại cho người khác. Đây là một dạng tính cách không lành mạnh, có khả năng gây tác động tiêu cực cho những người xung quanh, đặc biệt là những tổn hại về tinh thần.

Tác giả: Luật sư Nguyễn
Nguồn: Vnexpress

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay