Cái bẫy khoe khoang khi có chút tiền bạc, nhà đẹp, xe sang

Nhiều người khi có chút tài sản, địa vị đã vội vàng “flexing” trên mạng xã hội.
Có thể lý giải tác động từ trào lưu của giới trẻ như Flex đến hơi thở cuối cùng của giới trẻ dựa trên Thuyết tự quyết (Self-determination Theory) được đưa ra bởi Richard Ryan và Edward Deci vào thập niên 80. Đây là một công trình nghiên cứu rất quan trọng, giúp lật đổ niềm tin thống trị trước đó rằng cách tốt nhất để khiến con người thực hiện nhiệm vụ là củng cố hành vi của họ bằng phần thưởng, tức là động lực bên ngoài chứ không phải là động lực bên trong.
Động lực bên trong (intrinsic motivation) là khi chúng ta làm một việc gì đó mà không vì động lực bên ngoài. Chúng ta làm điều đó vì nó thú vị và hấp dẫn, vì chúng ta thích và hài lòng khi làm điều đó. Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần và cảm nhận hành phúc của mỗi người.
Động lực bên ngoài (extrinsic motivation) là động cơ hay áp lực rõ ràng từ bên ngoài như chạy tiến độ (deadline), đạt được phần thưởng, tiền bạc, quyền lực, bằng cấp, sự công nhận, địa vị, v.v hoặc tránh gặp rắc rối như bị mất việc hay kiện tụng v.v. Tức là, khi được thúc đẩy bởi động lực bên ngoài, chúng ta hành động với mong muốn phải được nhận lại một thứ gì đó từ bên ngoài, mà những thứ đó chúng ta không thể tự làm cho chính bản thân.
Ví dụ, bạn học một ngôn ngữ mới vì bạn thích trải nghiệm những điều mới, không phải vì công việc của bạn yêu cầu điều đó; bạn dành thời gian với ai đó vì bạn thích bầu bạn với họ chứ không phải vì họ có thể nâng cao vị thế xã hội của bạn; bạn đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong công việc vì bạn thích được thử thách và cảm thấy vui vì bản thân mình đã hoàn thành công việc, hơn là để được tăng lương hoặc thăng chức; bạn tập thể dục vì bạn thích vận động cơ thể thay vì để giảm cân.
Cả hai động lực bên trong và bên ngoài đều sẽ đem lại hiệu quả. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng phần thưởng bên ngoài nên được sử dụng một cách “tiết kiệm” vì chúng không không bền vững và có thể làm suy yếu động lực bên trong.
Xu hướng chạy theo chủ nghĩa vật chất của một bộ phận dân số trong xã hội ngày nay bao gồm cả giới trẻ và tầng lớp trung niên đã góp phần cổ xúy cho xu hướng tính cách ái kỷ (narcissism). Chủ nghĩa vật chất càng nhiều thì xu hướng ái kỷ càng cao!
Ái kỷ là nhóm người cực kỳ coi trọng vẻ bề ngoài. Họ ngầm chấp nhận sự thật rằng mọi thứ bên ngoài có thể bù đắp cho sự thiếu hụt và mất an toàn ở bên trong. Những bạn trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ ái kỷ công khai, ái kỷ cộng đồng và ái kỷ cầu toàn sẽ được củng cố niềm tin rằng: mọi thứ trông như thế nào trong mắt thiên hạ quan trọng hơn những nhu cầu tình cảm và thực chất bên trong.
Lối sống hiện đại thừa kết nối online nhưng thiếu kết nối trực tiếp với những cảm xúc chân thật. Trong khi đó, kết nối trực tiếp vốn là một điều cực kỳ cần thiết để xây dựng nên những cá thể lành mạnh về tinh thần. Như một vòng luẩn quẩn, việc thiếu kết nối tình cảm khiến cho chúng ta càng bị lệ thuộc vào những thứ bên ngoài, mải mê chạy đua theo xu hướng xã hội mà quên đi những phẩm chất bên trong như sự tò mò, sáng tạo, đam mê khám phá, lòng trắc ẩn, sự bao dung, tôn trọng, thật thà, khiêm tốn,…. Xã hội hiện đại với kết nối internet là nơi có rất nhiều chỗ cho việc khoe khoang thành tính, bằng cấp, địa vị, quần áo, xe sang, nhà đẹp, mối quan hệ với những người ở tầng lớp cao trong xã hội, … Đó đều là những thứ liên quan đến động lực bên ngoài và cũng là khởi điểm của vài nét đặc trưng của ái kỷ, như: Thổi phồng hình ảnh bản thân; luôn cho rằng mình tài giỏi và quan trọng; tin tưởng rằng mình là người đặc biệt và chỉ những người đặc biệt khác hoặc những người ở tầng lớp cao của xã hội mới có thể hiểu và hợp tác được với mình; luôn đòi hỏi được mọi người quan tâm, ngưỡng mộ. Nên nhớ, tự hào là khởi nguồn của tự cao. Đối phó với 3 độc tham – sân – si đã khó nhưng đối phó với 5 độc tham – sân – si – mạn – nghi còn khó hơn nhiều. Khi có chút thành tích hay công danh, sự nghiệp, chúng ta rất dễ rơi vào cái bẫy của sự tự hào, quá dính mắc vào thành tích đã đạt được, vốn đã là quá khứ, rồi bị mắc kẹt vào đó dẫn đến kiêu căng, ngạo mạn, tự cho mình nhất. Thành ra, chúng ta cứ bị bám chặt vào chữ “mạn” và dậm chân mãi ở đó mà không thể tiến lên các bước tiếp theo.
Muốn phát triển lành mạnh và vững chắc, chúng ta cần tập trung vào những động lực bên trong, ví dụ như: thử thách bản thân bằng cách đặt ra những mục tiêu có thể đạt được, tập trung vào việc thành thạo một kỹ năng hơn là lăn xả bên ngoài để kiếm tiền bằng mọi giá; thực hành quan sát cảm xúc của bản thân mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là khi có sự việc bất như ý xảy ra hoặc ngay khi khởi phát lòng tự hào; tập trung vào những nỗ lực của bản thân và trải nghiệm mà bạn có khi đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đây chính là một phần của lối sống tỉnh thức, hay lối sống chánh niệm, sống với hiện tại mà rất nhiều người đang theo đuổi sau hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời.
Người ta có thể lấy cắp tiền bạc, tài sản hay toàn bộ kết quả công việc của bạn nhưng họ sẽ không bao giờ lấy cắp được những giây phút hào hứng, tò mò, quyết tâm, đau khổ, buồn chán, thất vọng mà bạn đã trải qua trong suốt những ngày tháng làm ra những tài sản đó. Những trải nghiệm quý giá của mỗi người không tiền bạc nào có thể đánh đổi. Dù vui hay buồn, hay những thời khắc đen tối nhất, nó sẽ luôn là những viên gạch góp phần hình thành nên con người của bạn ngày hôm nay. Thành tích bên ngoài chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nó sẽ giúp chúng ta hạnh phúc nhất thời. Chỉ có những phẩm chất từ bên trong mới giúp chúng ta hiểu rõ thế nào bình an.
Các bác sĩ nước ngoài cho rằng, mạng xã hội không phải là nguyên nhân hình thành nên tính cách ái kỷ nhưng nó sẽ là bệ phóng để xu hướng tính cách này trở nên độc hại hơn. Nếu như ái kỷ công khai (grandiose narcissism) sẽ thỏa sức khoe khoang thành tích thì ái kỷ tổn thương (vulnerable narcissism) sẽ vô cùng ganh ghét, đố kị, thậm chí phẫn uất vì người khác chiếm hết cơ hội thành công mà đáng ra họ phải được hưởng. Càng nhiều người khoe khoang sẽ càng khiến nhóm người ái kỷ củng bố niềm tin rằng, lối sống vật chất là lối sống thời thượng mà cả xã hội nên chạy theo.
Trào lưu khoe khoang sẽ không làm những người biết tự coi trọng bản thân thấy ganh ghét, đố kị hay tự ti nhưng nó sẽ khiến cho những người ái kỷ thêm phần ái kỷ và những ái kỷ mầm chồi sẽ thực sự bứt phá trở thành ái kỷ trưởng thành.
Nguyên nhân cốt lõi của ái kỷ vẫn là giáo dục trong gia đình trong suốt giai đoạn hình thành nhân cách. Dù mạng xã hội có phát triển đến cỡ nào, xã hội hiện đại có xô bồ ra sao thì tình yêu thương vô điều kiện và có hiểu biết từ cha mẹ dành cho con cái sẽ là vacxin tốt nhất để phòng chống “đại dịch” ái kỷ.

Nguồn: Vnexpress
Tác giả: Luật sư Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay