Trong các mối quan hệ ái kỷ, có một hiện tượng luôn cần phải có, bất kể đó là kiểu ái kỷ nào và bất kể nạn nhân mạnh mẽ, tài giỏi ra sao. Hiện tượng đó được gọi là chu kỳ của mối quan hệ ái kỷ hay vòng lặp bạo hành ái kỷ.
Dù là mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái, đồng nghiệp, vợ – chồng, yêu đương hay bạn bè, nếu một bên có biểu hiện của nhân cách ái kỷ thì mối quan hệ đó sẽ luôn có 3 giai đoạn lần lượt là: Lý tưởng hóa (Idealize), Hạ thấp giá trị (Devalue) và Chối bỏ (Discard).
Giai đoạn 1 – Lý tưởng hóa: Khi mối quan hệ bắt đầu
Tất cả những ai đã từng yêu quý nhau đều có thể nhớ lại những cảm giác vui vẻ và hạnh phúc khi mới gặp người mình yêu quý. Điều này là chuyện bình thường. Nó thường được gọi là giai đoạn trăng mật trong các mối quan hệ.
Tuy nhiên, trong chu kỳ của mối quan hệ ái kỷ, mọi thứ chuyển sang một cấp độ hoàn toàn khác. Người ái kỷ sẽ lý tưởng hóa đối phương và đặt người đó lên bệ để ca tụng. Điều này không chỉ đơn thuần là nghĩ rằng họ đã tìm được đúng người, mà họ còn cảm thấy mình đã tìm được một người hoàn hảo. Họ sẽ dành mọi sự chú tâm và sự khen ngợi cho đối phương, khiến đối phương thấy bản thân là người đặc biệt và vô cùng hạnh phúc vì điều đó. Tuy nhiên, “nhân vô thập toàn”. Cách hành xử như vậy là không bình thường và phi thực tế.
Giai đoạn 2 – Hạ thấp giá trị và bạo hành ái kỷ: Khi ái kỷ bắt đầu coi thường đối phương
Đối với hầu hết các mối quan hệ, khi giai đoạn trăng mật kết thúc, mọi thứ bắt đầu trở lại những khuôn mẫu hoặc thói quen có thể đoán trước. Họ vẫn sẽ yêu quý đối phương một cách chân thành. Tuy nhiên, sự hưng phấn ban đầu thường sẽ mất đi. Đây cũng là thời điểm mà những người trong mối quan hệ dần trở nên thân mật hơn về nhiều mặt và học cách làm việc cùng nhau như những đối tác.
Tuy nhiên, trong chu kỳ của bạo hành ái kỷ, giai đoạn này sẽ hoàn toàn khác. Lúc này, người ái kỷ bắt đầu hạ thấp giá trị của đối phương thay vì trở nên thân thiết hơn. Họ nhận ra rằng đối phương của họ thực sự không hoàn hảo (đương nhiên rồi!) và họ bắt đầu coi thường người kia.
Do đó, người ái kỷ sẽ hạn chế thân mật, hạn chế thể hiện tình cảm hay chia sẻ cảm xúc, sẽ tăng dần mức độ và tần suất của việc giận dỗi, khó chịu, bực bội, công kích và chỉ trích đối phương. Khi người kia lên tiếng bảo vệ bản thân hoặc yêu cầu được đáp ứng nhu cầu tình cảm thì người ái kỷ thường sẽ đảo ngược tình thế, tự coi mình là nạn nhân và đổ mọi tội lỗi cho đối phương. Người ái kỷ thường nghĩ rằng họ mới chính là nạn nhân của một kẻ giả dối vì ban đầu họ coi đối phương là người hoàn hảo.
Giai đoạn 3 – Chối bỏ và bạo hành ái kỷ: Khi người ái kỷ đẩy đối phương ra xa
Thông thường, một mối quan hệ thành công thì cả hai bên sẽ không chỉ hợp nhau về nhiều mặt mà còn sẽ cùng nhau phát triển. Tất nhiên, họ vẫn có những bất đồng và thậm chí là xung đột nhưng họ có khả năng giao tiếp và giải quyết những mâu thuẫn đó.
Ngược lại, ái kỷ sẽ chối bỏ, phủ nhận giá trị người còn lại và cuối cùng là loại bỏ họ để có được một mối quan hệ mới đáp ứng những nhu cầu mà người ái kỷ cần. Những nhu cầu này không phải là tình yêu hay sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau – vốn là những nhu cầu nền tảng của một mối quan hệ lâu dài. Người ái kỷ chỉ muốn các mối quan hệ phục vụ cho cái tôi ảo tưởng và giúp họ cảm thấy được tầm quan trọng của bản thân. Vì vậy, họ sẽ loại bỏ những người không đáp ứng được nhu cầu đó và thay thế bằng một người khác.
Khi đi đến giai đoạn chối bỏ, chu kỳ bạo hành ái kỷ được coi là đã hoàn tất và một chu kỳ khác sẽ bắt đầu. Điều này hầu hết sẽ dẫn đến đổ vỡ trong các mối quan hệ ái kỷ.
Hiện tượng này không phải chỉ xảy ra trong mối quan hệ yêu đương, đồng nghiệp hay bạn bè mà nó cũng sẽ xảy ra trong mối quan hệ giữa cha mẹ ái kỷ và con cái. Khi con cái còn nhỏ, chúng như những con búp bê xinh đẹp, ngoan ngoãn, biết nghe lời, coi cha mẹ ái kỷ là những người hoàn hảo và đáng ngưỡng mộ. Chúng sẽ là nguồn cung tích cực cho ái kỷ. Tuy nhiên, khi chúng lớn và bắt đầu khẳng định cái tôi, bắt đầu thoát khỏi vòng kiểm soát của ái kỷ, không chịu tiếp tục cung cấp nguồn cung cho ái kỷ (sự ngưỡng mộ và vâng lời, làm con búp bê ngoan ngoãn cho ái kỷ chơi, …) thì cha mẹ ái kỷ sẽ tìm cách hạ thấp giá trị của chúng. Sau quá trình xung đột, mối quan hệ sẽ bước vào giai đoạn cuối cùng là chối bỏ: từ mặt, không thèm giao tiếp, không quan tâm, bỏ đói về tình cảm, phủ nhận hoàn toàn giá trị của con cái,…
Sự ngộ nhận về việc cha mẹ nào cũng yêu thương con cái thường khiến các nạn nhân ái kỷ mờ mắt không nhận ra bản chất thật cha mẹ độc hại. Họ thường dội bom tình những đứa trẻ khi chúng còn nhỏ nhưng theo thời gian, tình yêu của cha mẹ ái kỷ sẽ luôn bị bóp méo từ tình yêu vô điều kiện thành tình yêu thương có điều kiện. Đồng thời họ cũng bóp méo tình yêu con cái dành cho cha mẹ từ tình yêu thương có điều kiện thành tình yêu thương Vô Điều Kiện. Tức là con cái phải yêu thương, phải báo hiếu cho họ bất kể họ đối xử tàn nhẫn với con cái đến thế nào.
Phần lớn các trường hợp, khi đi hết ba giai đoạn nêu trên, người ái kỷ sẽ không vứt bỏ ngay lập tức đối phương, mà sẽ tiếp tục tìm cách khai thác nguồn cung lại từ đầu. Khi đó, họ sẽ hút bụi (hoovering) để kéo nạn nhân trở lại và tiếp tục lặp lại các giai đoạn cũ. Thông thường ở các vòng lặp tiếp theo, giai đoạn lý tưởng hóa sẽ qua đi rất nhanh để chuyển sang giai đoạn hạ thấp giá trị và chối bỏ.
Do đó, nếu chỉ nhìn vào những biểu hiện của giai đoạn đầu tiên là lý tưởng hóa thì có vẻ như người ái kỷ là những cha mẹ hoàn hảo, người bạn đời hay đồng nghiệp hoàn hảo và hết mực yêu chiều đối phương. Tuy nhiên, đó không phải là tình yêu thương theo đúng nghĩa. Đó chẳng qua chỉ là giai đoạn ảo tưởng trong mối quan hệ với ái kỷ – là người có cái nhìn lệch lạc về bản thân và những người xung quanh. Thứ mà họ tìm kiếm là nguồn cung ái kỷ chứ không phải là một người bạn, người yêu, người đồng nghiệp, người con, người bạn đời không hoàn hảo. Sau khi đã qua giai đoạn ngập tràn yêu thương, bản chất thật của họ sẽ dần được bộc lộc thông qua những dấu hiệu của bạo hành cảm xúc trong một mối quan hệ độc hại.
Không điều gì có thể giúp thay đổi chu kỳ của ba giai đoạn trong mối quan hệ ái kỷ, bất kể đối phương là ai, mạnh mẽ, tài giỏi, đẹp đẽ, thành công và nhẫn nhịn, bao dung đến mức nào. Vì bản chất ái kỷ là những người có nhân cách chưa trưởng thành, không có cái nhìn thực tế về bản thân, không biết cách xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và bền vững. Vấn đề cốt lõi nằm ở người ái kỷ chứ không phải ở các nạn nhân.
Mình xin học chữa lành do tuổi thơ có mẹ là người Ái Kỷ , sau lớn lấy chồng cũng y chang.
Chào bạn, bạn vui lòng xem và đăng ký khóa học nhận diện và chữa lành team sẽ đăng tải trên website và nhóm facebook “Ái kỷ – narcissism” nhé