Gaslighting (dịch tiếng Việt là “thao túng tâm lý”) là từ khóa của năm 2022 theo Merriam-Webster, trang từ điển trực tuyến chuyên công bố từ khóa của năm. Ở Việt Nam, từ khóa “thao túng tâm lý” cũng trở thành một thuật ngữ mới được nhiều người biết đến kể từ vụ việc bóc phốt một “siêu lừa” đình đám trên mạng xã hội.
Về mặt tâm lý học, thao túng tâm lý (“gaslighting”) là cách dùng những thông tin sai trái, thiếu chính xác để thao túng người khác nhằm có được sức mạnh và sự kiểm soát. Người thao túng dùng lời nói để khiến nạn nhân cảm thấy không còn tin tưởng vào trí nhớ, giá trị và óc phán đoán của bản thân.
Đây là một quá trình xảy ra chậm và rất khó nhận biết. Lúc đầu, nạn nhân thậm chí có thể cảm thấy tội lỗi khi nghi ngờ người thao túng mình. Sự tự hoài nghi liên tục sẽ từ từ khiến nạn nhân không còn tự tin và dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh hơn, dần mất đi cảm nhận về giá trị của bản thân và thực tế của sự việc, hiện tượng. Đây là một dạng bạo hành tâm lý rất hiệu quả vì nó khiến nạn nhân tự nghi ngờ cảm xúc, khả năng và sự tỉnh táo của bản thân. Khi đó, kẻ bạo hành sẽ có rất nhiều quyền lực lên nạn nhân và có thể dễ dàng kiểm soát họ. Hơn nữa, khi nạn nhân đã mất khả năng tin tưởng vào chính bản thân thì họ sẽ càng khó rời bỏ người bạo hành.
Có rất nhiều thủ thuật để thao túng tâm lý các nạn nhân như: khiến các nạn nhân không còn chính kiến; liên tục dùng lời nói, ngôn ngữ cơ thể để tầm thường hóa giá trị bản thân hay những cảm xúc của nạn nhân; đổ lỗi ngược và buộc tội; khiến nạn nhân nghĩ mình không tỉnh táo, đầu óc có vấn đề; có những lúc ngọt ngào và khiến nạn nhân cảm thấy mập mờ; nói dối trắng trợn hay giả vờ quên; dựng ra những chuyện không có thật; dùng những gì mà các nạn nhân trân trọng chống lại họ; từ chối giải quyết vấn đề, đánh lạc hướng; tìm cách cô lập các nạn nhân và sau một thời gian đủ dài, nạn nhân không còn ai khác ngoài việc dựa dẫm vào chính kẻ thao túng.
Một trong những công thức thao túng được các bác sĩ tâm lý và truyền thông nước ngoài nhắc đến khá nhiều, đó là DARVO, viết tắt của “deny, attack, and reverse victim and offender”, tạm dịch là “từ chối, tấn công ngược và hoán đổi vị trí của nạn nhân và kẻ bạo hành”. Ví dụ, khi bị chỉ ra một lỗi nào đó, kẻ thao túng sẽ ngay lập tức chối bỏ, phủ nhận thực hiện hành vi sai trái (“deny”). Sau đó, sẽ tấn công ngược lại các nạn nhân bằng cách đánh lạc hướng hoặc đe dọa trả thù (“attack”). Cuối cùng, kẻ thao túng sẽ đóng vai nạn nhân, than vãn, giận dỗi, tỏ ra đáng thương, kêu gào lên các hội nhóm, chiêu mộ đồng minh để khiến đối phương cảm thấy tội lỗi và xấu hổ vì hành vi của bản thân. Khi đó, kẻ thao túng bỗng nhiên đảo vai chuyển thành nạn nhân trong sự việc và hoàn toàn phủi tay với lời buộc tội ban đầu (“reverse victim and offender”).
Tuy nhiên, kể từ khi lan truyền trên mạng xã hội bằng tiếng Việt, thuật ngữ “thao túng tâm lý” với tên tiếng Anh là “gaslighting” có vẻ đã bị hiểu sai lệch một cách đáng tiếc. Dù là luật sư nhưng với nhiều năm kinh nghiệm tự nghiên cứu về ái kỷ (ái kỷ mà tôi đề cập ở đây là “narcissism”, chứ không phải là “narcissistic personality disorder”) và các chiêu thức thao túng tâm lý mà ái kỷ thường dùng, tôi xin làm rõ một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, thao túng tâm lý khác lừa đảo ở chỗ: (i) Đây là một quá trình xảy ra chậm, diễn ra trong một thời gian dài mà thậm chí các nạn nhân không thể nhận biết, trong đó, kẻ thao túng dùng những thông tin sai trái, thiếu chính xác nhằm có được sức mạnh (quyền lực) và sự kiểm soát chứ không phải chỉ nhắm vào tiền như lừa đảo; (ii) Các nạn nhân bị thao túng trong nhiều năm thường sẽ bị trầm cảm “tự sinh” (hay trầm cảm không rõ nguyên nhân), họ phải sống chung với thuốc và bệnh trầm cảm cả đời nếu vẫn còn kết nối với kẻ thao túng (có nhiều người đã tự chữa lành trầm cảm chỉ bằng việc học những kiến thức về thao túng tâm lý).
Thứ hai, thao túng tâm lý rất phổ biến trong các mối quan hệ mà trong đó có sự xuất hiện của kẻ thao túng như ái kỷ, thái nhân cách hay những người được chuẩn đoán mắc hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách chống đối xã hội (xin phép đề cập chi tiết đến những kiểu người thao túng này ở một bài viết khác). Ví dụ khi người chồng ngoại tình và bị cô vợ phát hiện sẽ dùng chiêu thức thao túng tâm lý để bịt mắt cô vợ và khiến cô cảm thấy tội lỗi vì đã nghi ngờ chồng, cha mẹ “trực thăng” ham kiểm soát và áp đặt sẽ thao túng tâm lý con cái để khiến chúng cảm thấy bản thân vô giá trị và không bao giờ là đủ tốt,….
Thứ ba, quá trình thao túng tâm lý xảy ra theo ba giai đoạn, mặc dù các giai đoạn không phải lúc nào cũng theo đường thẳng và thỉnh thoảng sẽ bị chồng lấn lên nhau:
Giai đoạn đầu tiên là sự hoài nghi: khi dấu hiệu đầu tiên của thao túng tâm lý xuất hiện, những chuyện xảy ra dường như khá bất thường đối với các nạn nhân. Bằng trực quan, họ nhận ra có điều gì đó không ổn, nhưng họ bị kẻ thao túng thuyết phục, hoặc họ tự thuyết phục bản thân rằng đó là những hành vi bình thường. Từ đó, quá trình bình thường hóa những hành vi thao túng bên trong chính các nạn nhân bắt đầu.
Giai đoạn thứ hai là phòng thủ: ở giai đoạn này, các nạn nhân phải tìm cách để bảo vệ bản thân chống lại sự thao túng. Tuy nhiên, mỗi khi đứng lên bảo vệ bản thân hoặc lên tiếng về những sự việc bất bình thường, một lần nữa, các nạn nhân sẽ tiếp tục bị lôi vào những trò chơi thao túng mà ở đó họ sẽ luôn thua. Họ sẽ bị ám ảnh bởi những gì mà kẻ thao túng nói, sẽ nghiễn ngẫm chúng, để chúng quay vòng vòng trong đầu liên tục như một cuộn băng vô tận. Rõ ràng có chuyện gì đó không ổn, nhưng các nạn nhân không thể yêu cầu đối phương xác nhận sự việc đúng như những gì họ nhìn nhận. Họ liên tục tự vấn bản thân và cảm thấy bản thân “có vấn đề”.
Giai đoạn cuối cùng là trầm cảm: khi đến giai đoạn này thì các nạn nhân sẽ cảm thấy mất hoàn toàn niềm vui trong cuộc sống, hầu như không nhận ra chính con người của họ. Những biểu hiện của nạn nhân bị thao túng tâm lý cũng chính là những biểu hiện của những người bị trầm cảm. Nhiều người sẽ phải sống chung với bệnh cả đời, vì nguồn gốc gây trầm cảm không hề được phát hiện ra. Họ vẫn sống chung với những kẻ thao túng, thậm chí được họ đồng hành ròng rã nhiều năm trời trong quá trình chữa trị trầm cảm. Nhiều trường hợp, khi đã tìm ra đích danh những kẻ bạo hành, nhưng không dễ dàng gì những nạn nhân có thể chấp nhận sự thật phũ phàng ràng họ đã và đang trở thành nạn nhân của chính cha mẹ hay vợ chồng mình, rằng họ bị lừa gạt, bị bịp bợm và qua mặt suốt nhiều năm trời mà không hề hay biết. Thậm chí họ vẫn mù quáng tin vào tình yêu và những lời đường mật mà những kẻ thao túng đã nhồi vào đầu họ suốt nhiều năm liền. Chính những giây phút tươi đẹp và tồi tệ đan xen lẫn lộn, được thực hiện một cách có chủ đích của những kẻ thao túng đã làm cho họ lóa mắt và không thể chấp nhận sự thật lù lù trước mắt. Vì thế, quá trình giải thoát và tự chữa lành sẽ không thể bắt đầu trừ khi có một sự kiện hay thay đổi nào đó vô tình khiến họ rời bỏ kẻ thao túng và tập trung vào những con người mới, công việc mới.
Trong bộ phim Gaslight (năm 1944), nhân vật cô vợ bị anh chồng thao túng tâm lý trong một thời gian dài nhằm chiếm đoạt tài sản thừa kế khi liên tục thay đổi đồ đạc trong nhà, điều chỉnh độ sáng của chiếc đèn ga (chi tiết làm nên tên của bộ phim) để thuyết phục cô và mọi người rằng cô ta bị điên. May mắn thay, cô vợ đã được một người đàn ông tốt bụng chỉ ra thủ đoạn của anh chồng. Ngay lập tức, cô lấy lại niềm tin vào bản thân và thoát khỏi vũng lầy của thao túng tâm lý. Hi vọng sau khi đọc xong bài viết này, một độc giả nào đó cũng sẽ tự giải thoát khỏi thao túng tâm lý theo đúng nghĩa như những mô tả ở trên và không nhầm lẫn nó với lừa đảo hay những hành vi khác bị gán mắc “thao túng tâm lý”.
Luật sư Nguyễn
Nguồn: Vnexpress